Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên

18/08/2020 1437 0

Chùa Tiên - Giếng Tiên nằm trong lòng núi Đại Tượng, thuộc địa phận phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, là cụm di tích bao hàm nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc với hệ thống các tích truyện dân gian, văn bia cổ, tượng thờ cổ,… Thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của cụm di tích này. Tháng 6 vừa qua, di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên đã được công nhận là điểm du lịch mới của tỉnh, do vậy, việc phát huy các giá trị di tích càng tiếp tục được đẩy mạnh.

Khác với một số hang động ở quanh vùng như động Tam Thanh – Nhị Thanh, động Tam Giáo… cửa động thường ở sát chân núi, động Chùa Tiên ở ngang chừng núi. Muốn vào động phải vượt qua hơn 65 bậc đá quanh co, những tòa thạch động kỳ vỹ với những nhũ đá muôn hình vạn trạng như hình tiên ông, hình đầu sư tử, dơi bay,…  tạo nên không gian vừa linh thiêng vừa huyền bí. Năm 1992, di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia. Hằng năm, di tích vẫn thường xuyên chỉnh trang, tôn tạo những hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng trong chùa.

Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Chùa Tiên (Song Tiên tự) được lập từ thời Lê Hồng Đức (khoảng từ năm 1460 - 1497). Khởi nguyên là một ngôi chùa nhỏ cạnh Giếng Tiên ở ngay sườn núi Đèo Giang - Văn Vỉ (cách cửa động Chùa Tiên chừng 200m). Tuy nhiên, vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, do bị hư hại, xuống cấp, chùa được chuyển vào trong động Song Tiên. Hiện nay, Chùa Tiên đã trở thành một di tích có tính chất đặc trưng của một ngôi chùa ở nước ta, đồng thời cũng tích hợp nhiều tín ngưỡng dân gian như: thờ Tiên, Thánh Mẫu, thờ Đức Thánh Trần, thờ các anh hùng dân tộc,…

Nằm trong cụm di tích này, còn có di tích Giếng Tiên. Đó là một mạch nguồn nước mát tuôn ra từ lòng núi, nước trong vắt không bao giờ cạn. Giếng Tiên gắn với câu chuyện huyền thoại về Tiên ông đã ban cho dân làng Phja Luông dòng nước quý để trả ơn lũ trẻ chăn trâu đã nhường phần cơm ít ỏi của mình cho ông. Miệng giếng chính là vết chân của Tiên ông giẫm xuống phiến đá mà thành.

Trải qua thăng trầm thời gian, đến nay, di tích Chùa Tiên - Giếng tiên vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị niên đại nghệ thuật như: hệ thống tượng pháp, hoành phi, câu đối, 13 bia khắc trên vách đá của các văn nhân thi sĩ, quan lại dưới các triều đại phong kiến Việt Nam xưa lưu lại. Đặc biệt, trong chùa  đang lưu giữ tấm bia đá khắc bài thơ “Trấn doanh bát cảnh” của danh nhân Ngô Thì Sĩ ca ngợi 8 cảnh đẹp của Xứ Lạng.

Bên cạnh giá trị văn hóa, cụm di tích này còn là nơi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của bà con Nhân dân trong vùng và thu hút đông đảo du khách đến với Lạng Sơn. Hằng năm cứ đến ngày 18 tháng Giêng, chùa Tiên mở lễ hội lớn. Hội chỉ diễn ra 1 ngày song lại là lễ hội có quy mô lớn tại thành phố Lạng Sơn. Vào ngày hội, du khách gần xa nô nức kéo về chung vui, trẩy hội, cùng nhau thắp một nén nhang tưởng nhớ tổ tiên, cầu lộc, cầu tài. Hội cũng là nơi gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, nơi diễn ra các trò chơi, diễn xướng dân gian: Múa sư tử, đánh cờ người, hát sli, lượn… Đó đều là những hoạt động mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống Xứ Lạng. Theo thống kê của Bộ phận trực quản lý cụm di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên, năm 2019, di tích chùa Tiên - Giếng Tiên đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, lễ bái. Thời gian qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) quan tâm, hướng dẫn UBND phường Chi Lăng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của cụm di tích. Đồng thời, hướng dẫn thành lập Ban Quản lý di tích và Bộ phận thường trực di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, Phòng VHTT thành phố tiến hành tu bổ, lắp đặt một số hạng mục nhỏ tại Chùa Tiên như: thay thế hai tượng Hộ Pháp tại cửa chùa, cung Sơn Trang, hệ thống biển báo, dòng chữ nổi tên di tích trên núi Đại Tượng, hệ thống đèn chiếu sáng trong động… với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.

Quần thể di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên là một điểm du lịch sáng giá của Lạng Sơn, đồng thời là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học: Văn hóa, văn học, lịch sử… thu hút đông đảo nhân dân gần xa đến tham quan di tích với nhiều ấn tượng tốt đẹp. Bảo tồn và  phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của quần thể di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên là một việc làm quan trọng và ý nghĩa góp phần gìn giữ, lưu truyền và lan tỏa cho thế hệ mai sau những vốn quý của cha ông.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Related Post

Sample Plan