Định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn

06/07/2022 953 0

Lạng Sơn có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc,  đặc sắc về sản vật… là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Song qua thời gian hơn 10 năm xây dựng và phát triển, du lịch cộng đồng của Lạng Sơn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo thành điểm “nên đến, đáng đến” trong hành trình của khách du lịch, còn là nơi “đi sau” so với các điểm du lịch cộng đồng trong khu vực.

Đội ngũ nhân lực có chất lượng từ quản lý đến tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, nhất là về đội ngũ cán bộ ở cơ sở, hướng dẫn viên, đội ngũ lao động chưa được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức thường xuyên. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao, thiếu các sản phẩm lưu niệm, quà tặng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng của tỉnh quy mô nhỏ, sức cạnh tranh và năng lực đầu tư hạn chế; chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ làm gia tăng giá trị du lịch nên nguồn thu từ du lịch còn thấp.

Du khách chụp ảnh cùng đồng bào dân tộc Dao Đỏ thôn Lũng Slàng xã Tri Phương huyện Tràng Định

Bên cạnh đó, hiện nay, kinh phí xây dựng chủ yếu do các hộ gia đình kinh doanh du lịch tự bỏ kinh phí đầu tư, trong khi nguồn vốn của các gia đình còn hạn hẹp nên việc đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Dẫn đến chưa có sản phẩm du lịch chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hạ tầng du lịch, đặc biệt là giao thông còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ; chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch cộng đồng còn thiếu, chất lượng chưa cao. Sự tham gia của cộng đồng vào du lịch chưa tích cực; nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống gắn với phát triển, khai thác, kinh doanh du lịch động đồng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Người dân làm du lịch mang tính tự phát, theo phong trào, thiếu kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ phục vụ khách du lịch, thiếu kiến thức quản lý, chưa có sự quy hoạch đồng bộ, mạnh ai người đó làm; nhiều mô hình còn giống nhau chưa tạo được nét đặc sắc riêng biệt.

Từ thực tế phát triển du lịch cộng đồng như vậy, các cấp, ngành có những định hướng đề ra như sau:

- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về ý nghĩa và vai trò của phát triển du lịch trong cơ cấu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, của các địa phương. Trong đó tập trung vào Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

- Tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, định hướng phát triển du lịch cộng đồng trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030.

 - Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo các điều kiện phát triển du lịch. Tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa của cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, học tập kỹ năng chuyên môn phục vụ phát triển du lịch.

- Phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, huy động tối đa nguồn lực xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch cộng đồng.

- Triển khai xây dựng mô hình điểm hoàn chỉnh, tạo ra sản phẩm đặc trưng, tạo nét khác biệt với các điểm du lịch cộng đồng khác, từ đó nhân rộng phát triển du lịch cộng đồng tại những địa phương có tiềm năng.

- Khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Thực hiện liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong đầu tư, quản lý và khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng.

- Liên kết giữa các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh với đại diện chương trình phát triển du lịch cộng đồng tại cơ sở. Bước đầu UBND huyện, UBND xã có thể làm trung gian giữa làng với công ty lữ hành, sau đó chuyển giao công việc lại cho Ban Quản lý hoặc nhóm người đại diện trong làng.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phát triển du lịch cộng đồng. Kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.

- Mở rộng liên kết với các tỉnh miền Bắc, đặc biệt các tỉnh Đông Bắc, để kết nối thành các tour, tuyến tạo ra thị trường du lịch rộng lớn, có tác dụng kích cầu du lịch nhằm thu hút khách cho du lịch cả vùng, đặc biệt là hướng tới thu hút lượng khách quốc tế đến với Lạng Sơn, trong đó sản phẩm du lịch cộng đồng là trọng tâm.

- Có giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động Ban Quản lý các điểm du lịch cộng đồng: cơ chế duy trì, hướng dẫn một mô hình chuẩn đối với hoạt động của Ban Quản lý.

- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng

Tiềm năng, điều kiện, định hướng phát triển đã có nhưng thách thức cũng không nhỏ nên trong thời gian tới, du lịch cộng đồng Lạng Sơn muốn phát triển nhanh và bền vững thì cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách, chiến lược và đề án phát triển du lịch của tỉnh, cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới… Từ đó, có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng, khuyến khích sự phát triển của du lịch cộng đồng. Đặc biệt, cần hoạch định, xác định các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để đảm bảo việc xây dựng các mô hình cộng đồng có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi.

 

Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Related Post

Sample Plan