Huyện Bắc Sơn khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch bền vững

03/12/2021 2075 0

Bản đồ du lịch huyện Bắc Sơn

Chi tiết bản đồ du lịch Bắc Sơn: http://online.pubhtml5.com/yjmv/bosg/

Bắc Sơn là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lạng Sơn, phía Bắc giáp huyện Bình Gia, phía Đông giáp huyện Văn Quan, phía Nam giáp huyện Hữu Lũng (đều là các huyện của tỉnh Lạng Sơn). Riêng phía Tây, huyện Bắc Sơn giáp huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên. Huyện Bắc Sơn không chỉ nổi tiếng là địa danh lịch sử, mà cảnh sắc nơi đây còn đẹp và hùng vĩ. Thung lũng Bắc Sơn trù phú nằm lọt giữa những bốn bề núi đá vôi trùng điệp, điểm tô những dòng sông uốn lượn qua các đồng lúa trải rộng bạt ngàn... tạo nên bức tranh hữu tình, quyến rũ. Trong dòng lịch sử, Bắc Sơn từng là căn cứ địa kháng chiến, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lẫy lừng những năm 1940. Thung lũng Bắc Sơn còn là nơi phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy cả một nền văn minh của người Việt cổ vào Sơ kỳ đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn. Với tiềm năng đó, huyện Bắc Sơn đã lựa chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng và nhân rộng mô hình này để phát huy và giữ vững thế mạnh của địa phương. Với chủ trương như vậy, UBND huyện Bắc Sơn đã ra Quyết định số 7116/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân huyện Bắc Sơn về việc phê duyệt đề án Phát triển du lịch huyện Bắc Sơn giai đoạn 2017 - 2020, định hướng 2025.

Các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của huyện gồm có:

Khu di tích cách mạng Bắc Sơn: bao gồm 12 điểm: Địa điểm Bó Tát: (xã Vũ Lễ), Khu đồi Nà Kheo, Đình Nông Lục, Đồn Mỏ Nhài, Trường Vũ Lăng, Đèo Thâm Thuông, Dập Dị (thôn Song Hóa, xã Vũ Lăng), Hàng Mỏ Rẹ,  Núi Sa Khao, Hang Lân Pán (thôn Lân Pán); Hang Lân Táy (thôn Mỏ Pia), Đèo Tam Canh. Bên cạnh đó còn có các di tích nổi tiếng như: Di tích cầu Ná Riềng, Đình Quỳnh Sơn (Thuộc xã Quỳnh Sơn)

Các xã An toàn khu Bắc Sơn: Gồm 12 xã: Chiến Thắng, Chiêu Vũ, Long Đống, thị trấn Bắc Sơn,  Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Tân Lập, Tân Hương, Vũ Lễ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân châu Bắc Sơn đã viết nên trang sử vàng chói lọi với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng diễn ra vào ngày 27-9-1940, là nơi thành lập Đội cứu quốc quân Bắc Sơn (cứu quốc quân I), đội quân vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo, đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam và là địa bàn huấn luyện chính trị, quân sự của Đảng chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 giành độc lập cho dân tộc. Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ uỷ Bắc Kỳ trong thời gian hoạt động cách mạng tại Bắc Sơn. Bắc Sơn cùng toàn dân tộc Việt Nam đã dệt nên những trang sử hào hùng về khí phách, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Để tiếp tục tạo điều kiện cho Bắc Sơn phát triển, cuối năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt dự toán kinh phí xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cho 12 xã vùng ATK và vùng ATK huyện Bắc Sơn đến năm 2025 (với nguồn kinh phí đầu tư dự kiến hơn 112 tỷ đồng). Theo đó, sẽ xây dựng các xã vùng ATK huyện Bắc Sơn trở thành một trung tâm du lịch lịch sử, văn hóa và du lịch sinh thái của Lạng Sơn và khu vực, xứng tầm là khu di tích lịch sử cấp quốc gia.Từ năm 1997 đến nay, huyện có 23 điểm và khu di tích được trùng tu, tôn tạo với 34 lượt. Các điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới, đầu tư tôn tạo, xây dựng các bia tưởng niệm, bia ghi dấu sự kiện, cắm biểu tượng, tượng đài chiến thắng để tuyên truyền, giới thiệu nội dung, ý nghĩa di tích đến với nhân dân. Một số di tích được huyện và cấp cơ sở quan tâm đầu tư, tôn tạo và bảo vệ như: di tích khảo cổ học Hang Dơi (xã Vũ Lễ); di tích lịch sử hang Mỏ Rẹ (xã Tân Hương); di tích Đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ)...

Danh lam thắng cảnh: Do đặc điểm địa hình nằm  trên vòng cung núi đá vôi Bắc Sơn - Ngân Sơn nên huyện Bắc Sơn có rất nhiều hang động trong lòng núi, xen kẽ giữa các núi đá vôi đó là các vùng núi đất và các thung lũng bằng phẳng (lân, lũng) tạo nên phong cảnh kỳ vĩ và hoang sơ, vẫn giữ còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên.

Rừng Gỗ Nghiến: Từ xã Quỳnh Sơn, du khách theo tỉnh lộ 241khoảng 8 km sẽ bắt gặp cảnh quan  tự nhiên của cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh thuộc thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn. Đây là cánh rừng nguyên sinh quý hiếm trên địa bàn được người dân trong thôn bảo tồn nguyên vẹn trên một núi đá vôi. Trong rừng tập trung nhiều cây gỗ nghiến quý hiếm, trong đó có những cây cổ thụ cao hàng chục mét, thân cây khổng lồ bám chặt vào vách đá lởm chởm. Kỳ thú hơn, trên đỉnh núi đá này có nhiều cây “dự báo thời tiết” mà dân làng vẫn gọi là “mạy kham”, loài cây này có tên như vậy vì trước những ngày mưa to gió lớn lá của chúng sẽ chuyển thành mầu trắng bạc thay vì mầu xanh như thường ngày.

Hồ Tam Hoa, Hồ Vũ Lăng: Với không gian mênh mông rộng lớn của các hồ nước ngọt cùng trải nghiệm bơi bè mảng, câu cá giải trí và thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc. Nếu đến Bắc Sơn vào mùa quýt chín (tháng 10, 11 âm lịch) có thể ghé thăm các vườn quýt đặc sản mọc sai trĩu cành trong các lân, lũng, thoải mái lựa chọn và mua về làm quà.

Hang Cốc Lý: nằm trong lòng núi đá phía sau sân vận động thuộc trung tâm thị trấn huyện Bắc Sơn. Hang Cốc Lý được xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2002, có 3 tầng rộng rãi với nhiều thạch nhũ hình thù kỳ thú.

Hồ Pác Mỏ: thuộc xã Hữu Vĩnh, cách trung tâm thị trấn huyện Bắc Sơn theo đường liên xã khoảng 2 km. Đây là di tích danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002. Không chỉ là một hồ thủy lợi đơn thuần cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hồ Pác Mỏ có cảnh quan đẹp tự nhiên, nguồn nước trong xanh không bao giờ vơi cạn, mặt hồ yên bình soi bóng những mái nhà sàn thấp thoáng bên tán cây cổ thụ dưới chân núi.

Hang Thắm Hoài: Cách hồ Pác Mỏ khoảng 200 mét là hang Thắm Hoài. Hang có 2 tầng, nhiều nhũ đá hình thù kỳ lạ rất đẹp mắt, có những cột đá vôi cao hàng chục mét sừng sững cạnh lối đi. Hang nằm lưng chừng núi, dài hơn 700 mét, trần hang cao rộng có nhiều thạch nhũ muôn màu sắc.

Suối Mỏ Mắm (thôn Quang Trung 1, xã Chiến Thắng): Cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 24 km, suối Mỏ Mắm (thôn Quang Trung I, xã Chiến Thắng) là điểm đến được nhiều gia đình lựa chọn nghỉ ngơi, tận hưởng không gian xanh mát và sản vật địa phương vào mỗi dịp cuối tuần. Nguồn nước suối trong vắt chảy ra từ vách núi tạo nên một khung cảnh trữ tình, điểm nhấn là đài phun nước nhân tạo giữa thác, khu vực lòng suối rộng, nước mát lành, có những chỗ sâu để khách tắm mát.

Các điểm tham quan:

Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn: Cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 2,5 km thuộc xã Long Đống, Bảo tàng được xây dựng năm 1985 với dáng dấp mô phỏng kiến trúc một ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, tọa lạc trên một khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát. Đây là nơi trưng bày và lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật sinh động về cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam trong những năm 1940.

Đỉnh Nà Lay: Đỉnh núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển,  nơi đây có góc nhìn trải rộng ra các hướng, rất lý tưởng để ngắm toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao. Trên đỉnh núi Nà Lay có thể ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn…

Vườn hoa tam giác mạch: Vườn hoa tam giác mạch màu trắng ở xã Trấn Yên và tam giác mạch màu hồng nhạt ở xã Long Đống được phân bố khá riêng biệt ở Bắc Sơn. Nếu như ở Tây Bắc, hoa cây này chủ yếu có màu hồng, màu tím thì ở thung lũng Lân Khoảng của Bắc Sơn chủ yếu lại là màu trắng. Điều này vô tình đã trở thành một điểm kỳ thú thu hút nhiều du khách đến đây chiêm ngưỡng.

Văn hóa - xã hội: Công tác xây dựng và bảo tồn các lễ hội, các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy như: Lễ hội lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9, lễ hội Lồng tồng xã Quỳnh Sơn. Các hình thức hát giao duyên, hát sli, hát lượn, hát ví, hát quan làng được gìn giữ bằng các hình thức như tổ chức hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa các dân tộc. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Tính đến nay, 8.950/14.327 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 62,4%. Các điều kiện về môi trường cảnh quan chuyển biến đáng kể. Ở các làng văn hóa hầu hết đường giao thông đều được bê tông hóa; 20/20 xã, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia, khoảng 90% số thôn bản được thắp điện lưới; trên 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, số hộ xây dựng nhà vệ sinh đạt trên 85%. Với sự nỗ lực của các cấp, đoàn thể cùng với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 38 thôn bản tiêu biểu đạt danh hiệu Làng văn hóa. Với những kết quả đạt được đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đáp ứng được nguyện vọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Môi trường du lịch: Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn của các xã trong huyện chưa chịu sự tác động và ảnh hưởng xấu của hoạt động du lịch, do đó vẫn giữ được tính nguyên sơ, mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương. Người dân luôn có ý thức giữ gìn môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Các hộ dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng cũng như người dân trong xã luôn có thái độ ứng xử thân thiện với khách du lịch, không có hiện tượng chèo kéo và chặt chém khách du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch tham quan, du lịch tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử... Tình hình an ninh, trật tự xã hội trong xã luôn được đảm bảo, ổn định, không có tệ nạn xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn luôn quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng an ninh quốc phòng, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về an ninh quốc phòng tới toàn thể nhân dân địa phương.

Thời gian qua, hướng phát triển du lịch cộng đồng được người dân Bắc Sơn tích cực ủng hộ, khởi đầu là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn với sự tham gia của 5 hộ gia đình chính thức hoạt động từ năm 2012, trung bình hằng năm thu hút trên 7.000 lượt du khách. Đến Quỳnh Sơn, du khách được tham quan các di tích và trải nghiệm lối sống, sinh hoạt trong những căn nhà sàn truyền thống và ẩm thực độc đáo của người Tày Bắc Sơn. Để đổi mới và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, hiện nay có thêm 3 hộ gia đình trong xã đăng ký tham gia và đội văn nghệ hát then của làng Quỳnh Sơn nay đã phát triển thêm 2 đội với khoảng 30 thành viên, đa dạng các loại hình biểu diễn như: hát cửa đình, hát ví, múa rối tiên…. Sau 6 năm xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng,  hoạt động đón tiếp khách du lịch của Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn diễn ra có nhiều khởi sắc, chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch đã được nâng cao. Hiện nay, không chỉ gói gọn trong 05 hộ gia đình thí điểm tham gia đón tiếp khách du lịch mà một số hộ gia đình khác cũng tham gia phục vụ các dịch vụ lưu trú khi khách có nhu cầu, nâng tổng số lên gần 20 hộ; góp phần đảm bảo  phục vụ nhu cầu của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho  người dân. Theo điều tra khảo sát nguồn thu nhập chính của người dân địa phương hiện nay là thu nhập từ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng, chiếm gần 50% tổng thu nhập của các ngành nghề.

Với mục tiêu nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng, đầu năm 2018 xã Vũ Lăng đã khai thác những điều kiện thuận lợi để hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng, đến tháng 11/2021 đã được công nhận là Điểm du lịch cộng đồng xã Vũ Lăng. Xã Vũ Lăng có hai hồ nước ngọt lớn với tổng diện tích trên 30 ha, xen giữa nhiều đồi, rừng tạo không khí trong lành và hai di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là đèo Thâm Thông - Dập Dị, nhà truyền thống trường Vũ Lăng. Du khách có thể đi bè mảng, câu cá giải trí và thưởng thức ẩm thực tại đây.

Dựa trên các điều kiện rất thuận lợi về mặt tự nhiên, văn hóa lịch sử, huyện Bắc Sơn, hiện đang triển khai các loại hình du lịch tiêu biểu như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... Trong tương lai không xa du lịch Bắc Sơn sẽ ngày càng khởi sắc mang lại thu nhập ổn định cho người dân, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch, góp phần không nhỏ vào sự phát triển du lịch tỉnh nhà.

 

 

Hoàng Nga

Related Post

Sample Plan