Khai thác tiềm năng du lịch trên quê hương đồng chí Lương Văn Tri

06/08/2020 2157 0

Văn Quan là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn thuộc cánh cung Bắc Sơn của vùng Đông Bắc Việt Nam. Văn Quan có 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó chủ yếu là di tích lịch sử cách mạng, tiêu biểu như di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri là di tích xếp hạng cấp quốc gia; di tích cầu đá - bia đá Dã Nham - xã Xuân Mai là di tích có niên đại từ thế kỷ thứ XVIII… Đồng thời, Văn Quan còn là nơi phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử thuộc nền văn hóa Bắc Sơn với nhiều đặc điểm và giá trị như tại hang Pác Ả - Kéo Vãng (Vĩnh Lại), hang Bà Đầm (Tân Đoàn), hang Bản Háu (Tràng Phái)… Trên địa bàn huyện Văn Quan có nhiều điểm danh lam thắng cảnh có thể khai thác phát triển du lịch như: Khu hồ Bản Nầng (Tân Đoàn), đập Bản Quyền (Thị trấn Văn Quan), thung lũng Nà Lùng (Hữu Lễ) những cánh rừng hồi bạt ngàn… có thể xây dựng thành khu du lịch sinh thái; các hang động đẹp, kỳ vĩ có thể phát triển du lịch khám phá (Hệ thống hang động của xã Vân Mộng, Tràng Phái, Tân Đoàn, Hữu Lễ…). Bên cạnh những giá trị tự nhiên, lịch sử, mảnh đất Văn Quan còn là nơi nuôi dưỡng và lưu giữ một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, lâu đời của đồng bào Tày và đồng bào Nùng. Những nét văn hóa riêng, đặc trưng của người Tày, Nùng không chỉ thể hiện trong sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn thể hiện rõ nét qua tập tục sinh đẻ, cưới xin, ma chay, lễ tết… Đặc biệt, các làn điệu dân ca hát then, sli, lượn, phong slư, quan làng vẫn đang được lưu giữ, trao truyền, tạo nên đời sống văn hoá tinh thần đặc sắc. 

Thị trấn Văn Quan


Về điều kiện tự nhiên: Văn Quan có đặc điểm của vùng núi đá vôi, có nhiều hang động đẹp, kỳ vĩ, xen lẫn là các thung lũng, đèo dốc với khung cảnh thiên nhiên đa dạng. Đây là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch tại Văn Quan như hệ thống hang Nà Lả - xã Vân Mộng, Ngườm Thẳm - xã Tràng Phái; thung lũng tại thôn Nà Lùng, thôn Bản Só, xã Hữu Lễ với bãi cỏ xanh mướt, có thác nước, khe suối trong mát chảy quanh; đèo Lùng Pa quanh co, uốn lượn. Nơi đây có hệ thống sông suối khá dày đặc và phân bố khá đồng đều, đặc biệt với địa hình bát úp, các hợp thủy và nhiều thung lũng nhỏ, huyện Văn Quan có những hồ nước tự nhiên và đã tiến hành xây dựng được hệ thống các hồ, đập dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và có tiềm năng để xây dựng thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: Hồ Bản Nầng, Đập Bản Quyền, hồ Suối Mơ. Bên cạnh đó, cây hồi là cây thế mạnh của huyện Văn Quan, với những đặc trưng về sinh thái và cảnh quan, Văn Quan từ lâu đã là một địa chỉ trồng, thu hoạch và buôn bán hoa hồi nổi tiếng. Từ hoa hồi, có thể chế biến thành các sản phẩm như gia vị, dược phẩm có giá trị. Hiện nay, hồi được phân bố chủ yếu tại các xã Yên Phúc, Bình Phúc, Đại An, Tràng Sơn, Tràng Phái, Tân Đoàn, Vân Mộng... Những cánh rừng hồi bạt ngàn có thể trở thành những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm độc đáo hấp dẫn.
Di sản do thiên nhiên và lịch sử để lại đó là hệ thống các di tích và danh lam thắng cảnh có giá trị về lịch sử và văn hoá. Hiện nay, toàn huyện có 12 di tích đã được các cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, nổi bật nhất là Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri là di tích lịch sử cấp Quốc gia (Theo Quyết định số 2233/1995/QĐ- BVH-TT ngày 06 tháng 6 năm 1995 của Bộ Văn hóa và Thông tin về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia)
Về văn hóa - xã hội: Văn Quan là địa bàn sinh sống của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa. Trong đó, dân tộc Nùng, Tày chiếm số đông hơn cả. Văn Quan là vùng đất lưu giữ truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có trên 50 lễ hội lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu là lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng. Trong đó phải kể đến một số lễ hội thu hút du khách địa phương và nơi khác như: Lễ hội lồng tồng Tu Đồn - Thị trấn Văn Quan (Ngày Mùng 4 tháng Giêng); Khòn Khẻ - xã Xuân Mai (Ngày Mùng 7 tháng Giêng); Bản Giềng - xã Tú Xuyên (Ngày 13 tháng Giêng) và Hội chợ Ba Xã - xã Tân Đoàn (Ngày 27 tháng 3 âm lịch). Văn Quan cũng là một vùng đất có nền dân ca rất dân tộc và độc đáo. Đó là các làn điệu sli, then, lượn, quan làng, cỏ lảu… Du khách đến Văn Quan sẽ được thưởng thức những làn điệu sli, lượn, phong slư trong những ngày lễ hội truyền thống, nhưng phiên chợ và hội chợ; các làn điệu then mượt mà và then nghi lễ linh thiêng, huyền bí cùng tiếng tính tẩu, xóc nhạc rộn ràng, điệu múa chầu uyển chuyển; điệu quan làng, cỏ lảu trong những đám cưới, mừng nhà mới…Đây là một trong những tiềm năng có thể khai thác phục vụ cho khách du lịch muốn trải nghiệm, tìm hiểu về truyền thống văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng huyện Văn Quan. Cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh Lạng Sơn, ở Văn Quan có nhiều món ăn ngon, độc đáo. Du khách đến với Văn Quan sẽ được thưởng thức các món ngon được chế biến từ gạo nếp như các loại xôi: Xôi trám đen, xôi trứng kiến, xôi nhộng ong…; các loại bánh: Bánh ngải, bánh xì tải, khẩu sli… và được thưởng thức món cá lồng, cá sông, suối, thịt lợn quay, khau nhục thơm ngon… 
Đến Văn Quan du khách sẽ được trải nghiệm không gian nhà sàn độc đáo,  trên địa bàn huyện còn lưu giữ được trên 2.000 nhà sàn của người Tày và người Nùng, tập trung thành bản với hàng chục nóc nhà tại xã Yên Phúc, xã Hữu Lễ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Ở Văn Quan có một số nghề truyền thống như: Nghề làm cao khô, nghề làm bánh khẩu sli, nghề đan lát. Khi du khách có dịp ghé thăm Văn Quan sẽ được thăm và trải nghiệm một số công đoạn như: Tráng bánh, bó cao khô; giã, rang khẩu sli; chẻ lạt tre, đan một số đồ dùng… rất thú vị.
Nhìn chung Văn Quan có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch, như: hệ sinh thái rừng hồi, hồ, suối, hang động, thung lũng; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, có thể tổ chức được nhiều loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm (Leo núi, khám phá hang động, đi bè tre, thuyền nan, câu cá… trên các hồ, sông, suối…), du lịch trải nghiệm như thu hái hoa hồi, tráng cao khô, bó cao khô… để hấp dẫn khách du lịch. Với tiềm năng và thế mạnh của mình, Văn Quan hoàn toàn có thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Vì vậy, việc quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch tại Văn Quan sẽ góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo cơ hội gia tăng việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân, góp phần bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, bảo vệ, phát huy các giá trị tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. 
Trong hành trình du lịch về nguồn đầy ý nghĩa, một điểm tham quan mà bất kỳ du khách khi đến Văn Quan đều mong muốn tìm hiểu là Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri. Đồng chí Lương Văn Tri sinh ngày 17/8/1910 trong một gia đình trung nông người Tày tại Bản Hẻo, xã Mỹ Liệt, tổng Mỹ Liệt, châu Điềm He, nay thuộc xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ông là một nhà hoạt động cách mạng và là người có đóng góp lớn trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam…. Cảm nhận về cuộc đời, sự nghiệp của anh Lương Văn Tri cũng như ấn tượng về Trấn Ninh - nơi anh đã sinh ra và lớn lên thì có lẽ chỉ những ai đặt chân đến mảnh đất này, tìm về cội nguồn, ngắm nhìn tận mắt những hiện vật mới có được. Chính vì thế, Trấn Ninh đã được đưa vào danh sách những địa điểm cần đến trong “hành trình du lịch về nguồn” của nhiều đoàn khách tham quan cũng như các đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên… tổ chức hành hương về nguồn. Thăm nhà lưu niệm Lương Văn Tri chính là dịp để giáo dục về truyền thống lịch sử, qua đó khơi dậy lòng tự hào, khích lệ tinh thần thi đua của tuổi trẻ kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh.
    


Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn
 

Related Post

Sample Plan