Khu Di tích cách mạng Bắc Sơn- Nơi ghi dấu những năm tháng hào hùng của quê hương Xứ Lạng.

08/12/2020 2400 0

Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã nổ ra cách đây 80 năm nhưng dấu ấn của nó vẫn còn mãi như một lời nhắc nhở không nguôi về những năm tháng hào hùng của quê hương Xứ Lạng. Với tinh thần cách mạng quật khởi, Bắc Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của địa phương và cả nước.

Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn

Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn có giá trị lịch sử tiêu biểu, quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử quân sự cách mạng Việt Nam, ghi dấu hàng loạt những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, như: Quá trình tiếp thu đường lối cách mạng và sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn (1930 - 1936); Phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và sự thành lập Đảng bộ huyện Bắc Sơn (1936 - 1939); Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) - khởi đầu cao trào đấu tranh cách mạng trong cả nước; Sự thành lập khu căn cứ du kích Bắc Sơn (16/10/1940); Thành lập Mặt trận Việt Minh xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa (1941 - 19450; Sự ra đời của Đội Cứu Quốc quân Bắc Sơn tại căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai (tháng 2/1941); Cao trào kháng Nhật cứu nước và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Khu di tích là an toàn khu nuôi giấu, bảo vệ các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ trong thời gian hoạt động cách mạng tại Bắc Sơn, nơi đặt trạm liên lạc thông suốt giữa Trung ương với Xứ uỷ Bắc kỳ cùng các địa bàn khác và là nơi cung cấp tài liệu cho công tác huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng.

Di tích gồm 12 điểm, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992, phân bố trên địa bàn 06 xã: Tân Hương, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Vũ Lễ, Tân Lập, Long Đống thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, bao gồm:

1. Di tích Bó Tát (Mỏ Tát): có tổng diện tích 15.798m2 nay đã là phế tích, chỉ còn lại phần nền móng nhà ở cũ của ông Đường Văn Thông với diện tích 54m2    cùng một số tảng đá kê chân cột nhà. Xung quanh nhà được bao bọc bởi khu vườn trồng cây ăn quả và các bụi tre gai.

2. Di tích đồi Nà Kheo: tổng diện tích là 4.463m2, nằm trên đỉnh đồi cao, xung quanh là ruộng lúa, bụi tre, rừng cây rậm rạp và một số nhà dân, chân đồi có hệ thống đường hào, dài 30m, cao khoảng 1m, ngang 0,5m.

3. Di tích đình Nông Lục: phía Bắc giáp với tỉnh lộ 241; hai bên đầu hồi có hai cây đa to (khoảng 100 năm tuổi). Đình được xây dựng từ thời Nguyễn, trên một gò đất cao, tổng diện tích là 182,7m2, kiến trúc gỗ kiểu nhà sàn với sàn cao 0,7m so với mặt nền, mái lợp ngói máng; bốn mặt bưng kín bằng ván. Đình thờ thần Cao Sơn Quý Minh Đình được chạm khắc nhiều hình tượng nghệ thuật với các chủ đề như tứ linh, lưỡng long vờn mây, lưỡng long chầu nhật, nghê và hoa lá...,

4. Di tích đồn Mỏ Nhài: nằm trên quả đồi diện tích trên 78.000m2, án ngữ con đường từ thị trấn Bắc Sơn đi xã Trấn Yên và Vũ Lăng. Tại đỉnh đồi, Thực dân Pháp đã cho xây dựng đồn bốt, nhà cửa kiên cố, bao quanh phía ngoài là hệ thống tường bằng đá hộc, dày gần 40cm và hàng rào dây thép gai dày đặc. Con đường duy nhất từ chân đồi lên đồn rộng khoảng 6m. Hiện nay dấu tích còn lại của đồn Mỏ Nhài là 02 nền móng nhà bằng đá, hình chữ nhật, cao khoảng 1,5m, dày 0,6m. Phía Bắc đỉnh đồi (cách nền đồn khoảng 100m) đã xây dựng 01 tượng đài chiến thắng Đồn Mỏ Nhài và dưới chân núi, ngay sát trục đường Tỉnh lộ xây dựng 01 bia ghi dấu sự kiện.

5. Di tích Thâm Thoông - Dập Dị: là đoạn đèo nằm trên tỉnh lộ 241 (tuyến đường Bắc Sơn - Vũ Lăng), tổng diện tích là 2.647m2. Nơi diễn ra sự kiện lịch sử là vị trí lưng chừng của đèo, dài khoảng 500m, thuộc xã Vũ Lăng, được cắm biển ghi dấu sự kiện ngay sát bên trái trục đường Bắc Sơn - Vũ Lăng.

6. Di tích Trường Vũ Lăng: tổng diện tích là 844m2. Phía Tây Bắc giáp đường bê tông liên thôn và Trường Trung học Cơ sở Vũ Lăng. Bao quanh di tích là hệ thống tường rào xây bằng gạch chỉ và vườn hoa cây cảnh. Hiện nay, trong khuôn viên di tích đã xây dựng 01 Bia ghi dấu sự kiện và công trình Trường Vũ Lăng (là ngôi nhà cấp 4, ba gian với tổng diện tích 102m2, do Pháp xây dựng năm 1927), đã được sửa chữa, cải tạo thành Nhà trưng bày truyền thống.

7. Di tích Sa Khao (Phia Khao): nằm trong lũng Sa Khao, có diện tích 2.626m2, được bao bọc bởi núi Sa Khao và núi Pò Nến, độ cao trung bình 500 – 550m so với mặt nước biển. Hiện nay ngôi nhà của Ông Lý Văn Tình (thân phụ Bà Lý Thị Quyên) - nơi nuôi giấu cán bộ, hoạt động của Đoàn cán bộ Trung ương và Châu ủy Bắc Sơn đã trở thành phế tích, chỉ còn sót lại nền nhà bằng đất có tổng diện tích 67,5 m2 (dài 9m, rộng 7,5m), quay hướng Đông Nam. Tuy nhiên con, cháu của ông đã cho dựng lại một ngôi nhà bằng tre nứa, kiểu nhà sàn 2 tầng trên nền nhà cũ với tổng diện tích 30m2. Bên trái của nhà là ao cá khoảng 300m2 (trong chiến tranh dùng để nuôi cá làm thức ăn tiếp tế cho cán bộ); bên phải là vườn cây của gia đình. Hiện tại đầu đường vào di tích Sa Khao đã được đầu tư xây dựng bia ghi dấu sự kiện.

8. Di tích Khuổi Nọi: nằm trong khu rừng Tam Tấu, có diện tích 33.151m2, được bao bọc bởi các dãy núi cao với các tầng thực vật đa dạng, phong phú. Đây là địa bàn hoạt động bí mật của Đội Cứu Quốc quân, khi có biến cố có thể rút lui an toàn theo nhiều hướng khác nhau: hướng Nam thì vượt sang xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, hướng Đông băng qua rừng đến xã Tân Thành, Tân Hương, huyện Bắc Sơn... Hiện nay, khu di tích chỉ còn lại các địa điểm dựng lán trại và sân luyện tập của Cứu Quốc quân trước đây. Năm 2014, di tích được đầu tư xây dựng một số hạng mục, gồm: 01 chốt canh gác, 02 lán trại (01 lán chỉ huy và 01 lán sinh hoạt đội viên), 01 cụm biểu tượng tôn vinh và khu khuôn viên, lễ đài.

9. Di tích Lân Pán: có diện tích 11.000m2. Toàn bộ khu di tích nằm ở sườn núi đá vôi Pác Ca, có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, xung quanh di tích là sườn núi và vườn cây ăn quả của nhân dân. Địa điểm gắn liền sự kiện là một khu đất đá có diện tích khoảng 100m2, xung quanh là các mỏm đá tai mèo lởm chởm, cao trung bình 40cm - 80cm và một mái đá tự nhiên cao khoảng 7m. Tại địa điểm này có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn của cánh đồng Lân Pán và con đường giao thông liên xã Hữu Vĩnh - Tân Lập - Tân Hương. Di tích Lân Pán là địa điểm hoạt động bí mật của Đoàn cán bộ Trung ương Đảng trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 8 và củng cố phát triển lực lượng vũ trang cơ sở tại Đảng bộ Bắc Sơn. Hiện nay, cách di tích 500m đã được xây dựng 01 bia ghi dấu sự kiện.

10. Di tích Lân Táy - Mỏ Pia: có tổng diện tích hơn 24ha, gồm 2 điểm là hang Mỏ Pia và địa điểm Lân Táy.

Hang Mỏ Pia: là một hang đá nằm ở phía Nam của di tích Lân Táy - Mỏ Pia, có diện tích 3000m2, cửa hang cao 7m, rộng 4m.

Địa điểm Lân Táy: nằm ở phía Bắc của di tích Lân Táy - Mỏ Pia, nơi dựng lán nghỉ của Đoàn cán bộ cao cấp Trung ương Đảng. Khu vực này có nhiều bãi đá, khu đất đan xen nhau, bao quanh là những ngọn núi đá nhỏ trùng điệp có độ cao trung bình 600 - 700m so với mặt nước biển, tạo thành lòng chảo có diện tích trên 1ha. Với địa hình hiểm trở, giao thông thuận tiện, khí hậu trong lành, đất đai rộng, nhiều cây che phủ, dân xung quanh thưa thớt, đây là địa điểm hoạt động bí mật và rút lui an toàn của cách mạng khi có biến động xảy ra.

11. Di tích hang Mỏ Rẹ: có diện tích 9.304m2, nằm trong núi Mỏ Rẹ -   diện tích 38.608m2, độ cao trung bình 480m so với mặt nước biển. Phía dưới chân núi có một bãi nước ngập, xung quanh là ruộng, vườn của dân. Hang Mỏ Rẹ nằm lưng chừng núi và mặt quay về hướng Tây Bắc, đường lên xuống hang rất khó khăn; phía mặt ngoài hang bị cây cối che phủ không nhìn thấy cửa hang. Đây là nơi hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ và là nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt phá vòng vây của địch ngày 28/8/1941.

12. Di tích Đèo Tam Canh: nằm trên trục đường quốc lộ 1B (nối giữa huyện Bình Gia và huyện Bắc Sơn), thuộc địa phận xã Long Đống, chiều dài gần 4km, độ cao trung bình 450 - 480m, bao quanh là các dãy núi đá vôi có độ cao trung bình 550 – 650m so với mặt nước biển và cây xanh bao phủ. Hiện nay, tại đỉnh đèo Tam Canh đã được lựa chọn làm địa điểm xây dựng biểu tượng Khởi nghĩa Bắc Sơn và 01 nhà bia ghi dấu sự kiện với tổng diện tích khuôn viên khoảng 120m2.

Hiện nay, các di vật, tài liệu hiện vật liên quan đến khu di tích đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Bắc Sơn và Nhà trưng bày truyền thống trường Vũ Lăng, với tổng số 138 hiện vật, gồm: 127 hiện vật gốc, 11 hiện vật phục chế.

Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân, dân Bắc Sơn nói riêng và quân, dân Việt Nam nói chung. Ngày nay những sự kiện lịch sử và lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào gắn với những địa điểm thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn chính là di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể) quý báu cần được tiếp tục quan tâm, gìn giữ, khai thác và phát huy, tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016)./.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn

Related Post

Sample Plan