Lạp sườn – hương vị mùa đông Bắc Sơn

08/12/2021 2016 0

Nếu có dịp đến Bắc Sơn vào dịp gió đông về, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức món Lạp sườn - được ví như hương vị của mùa Đông Bắc Sơn. Đối với những “người con Bắc Sơn” dù đang sinh sống tại quê nhà hay nơi đất khách thì hương vị của món Lạp sườn vẫn in sâu trong tâm trí họ. Lạp sườn xuất hiện trên những mâm cơm gia đình bình dị, ấm cúng hay trên những đám cỗ, mâm tiệc mời khách quý đến nhà. Hình ảnh những sâu Lạp sườn được hong nắng gió hanh hao bên những mái nhà sàn truyền thống cũng luôn để lại ấn tượng sâu sắc với những ai đến với đến với Bắc Sơn ngày đông.

Người Việt gọi Lạp sườn bằng nhiều cái tên khác nhau như Lạp xường, Lạp xưởng và nhiều biến âm theo ngôn ngữ từng dân tộc. Món ăn này có xuất xứ từ Trung Hoa, biểu hiện ngay từ tên gọi “lap cheong”. Theo đó, chữ “lạp” bao gồm: nguyệt nhục   chỉ thịt và tịch lạt/liệp 昔巤 dùng để biểu âm. Chữ “sườn” – biến âm của trường có nghĩa là “ruột”. Như vậy, Lạp sườn là món thịt nhồi trong ruột của gia súc rồi hong khô. Cũng có ý kiến cho rằng, chữ “lạp” xuất phát từ “lạp nguyệt” – tháng cuối năm (tháng chạp). Sở dĩ yếu tố thời điểm được đính vào tên món ăn là bởi đặc trưng riêng biệt của nó. Xưa, chỉ vào cuối đông giáp tết, các gia đình mới có điều kiện thịt lợn. Phần thịt này không thể để “no dồn” mà phải tích trữ trong suốt thời gian dài. May mắn là khí hậu mùa đông tạo điều kiện thuận lợi cho các phương pháp tích trữ ấy. Và từ đó, các món thịt mang tính chất tích trữ đã ra đời như thịt treo gác bếp, thịt ngâm mỡ, xá xíu, thịt muối, thịt khô... Trong đó có lạp sườn – món thịt nhồi ruột gia súc hong khô đặc trưng cho những ngày cuối năm.

Mặc dù tiếp thu tinh hoa văn hóa ấm thực Trung Hoa, song người Việt ở mỗi địa phương đều cải biến lạp sườn theo cách của riêng mình, làm nên những “phiên bản” đa dạng. Ở miền Bắc, nhắc đến lạp sườn, mọi người thường nghĩ ngay đến khu vực miền núi phía Bắc. Đặc biệt là Lạp sườn Lạng Sơn với vị thơm của gừng núi đá Bắc Sơn - gia vị giúp món ăn có thể bảo quản được lâu và màu sắc đẹp hơn, cực kì phù hợp với khí tiết mùa đông. Gừng núi đá được ví như món quà ông Trời ban cho Xứ Lạng. Loại cây này rất khó tính, chỉ mọc ở núi đá chứ nhất định không chịu sống ở ruộng vườn. Để nguyên, gừng hơi ngái, có người ví như mùi con bọ xít. Ấy vậy mà qua một lần lửa thì ngạt ngào “hương vị tình thân”. Không có gừng núi đá thì không ra mùi Lạp sườn xứ Lạng. Quả là thứ hiếm có trên đời!

Lạp Sườn sau khi đã hong đủ nắng và gió sẽ được tích trữ, bảo quản để sử dụng lâu dài. Có nhiều cách khác nhau để chế biến món món lạp sườn như: rán, nướng, chao hay xào lá tỏi tươi. Nhưng phổ biến nhất có lẽ là món Lạp sườn nướng chấm mắm hay xào lá tỏi tươi. Vào những dịp lễ tết hay những đám cỗ diễn ra vào mùa đông thì trong thực đơn không thể thiếu món Lạp sườn. Lạp sườn nướng được cuộn tròn lên giá hình xoáy ốc. Chế biến món Lạp sườn nướng rất cầu kỳ, phải để xa lò than hàng giờ để lạp sườn chín từ từ. Món Lạp sườn nướng đạt tiêu chuẩn phải có màu vàng cánh gián, bên ngoài giọn giụm, bên trong ngọt đậm vị của thịt lợn quyện với gia vị và gừng núi. Lượng mỡ và thịt phải vừa phải, không được quá mỡ hay quá nạc để món ăn không bị quá khô hay quá ngấy mà phải ngọt ngậy vừa ăn.

Ngày nay, dù tất bật với cuộc sống bận rộn, hiện đại. Nhưng người dân Lạng Sơn nói chung và Bắc Sơn nói riêng vẫn luôn giữ thói quen ăn món Lạp sườn vào những ngày đông giá rét và luôn tự hào giới thiệu đến bạn bè, đối tác hay du khách về hương vị mùa đông trên quê hương mình.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lang Sơn

Related Post

Sample Plan