Nét đẹp trang phục dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn

26/11/2021 17664 0

Dân tộc Nùng có tỷ lệ 42,9% dân số tỉnh Lạng Sơn, là dân tộc có tỷ lệ cao nhất, sinh sống khắp tỉnh. Hiện ở Lạng Sơn có 3 nhóm dân tộc Nùng gồm: Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình (Nùng Phàn Slình Cúm Cọt, Nùng Phàn Slình Hua Lài và Nùng Phàn Slình áo dài). Mỗi nhóm đều có sự trang trí trên trang phục khác nhau, ví dụ như dân tộc Nùng Phàn Slình thường có những đường chỉ nổi và thêu sặc sỡ phần cổ và phần vạt áo, nhưng đối với dân tộc Nùng Cháo trang phục lại được thêu với phần chỉ chìm kín đáo. Đa phần trang phục của dân tộc Nùng thiên về tạo dáng với phần thân áo ngắn được xẻ tà và quần may rộng rãi. Ngoài ra, trên trang phục của phụ nữ Nùng còn phải kể tới một số đồ trang sức làm bằng kim loại đeo trên người như vòng tay, vòng cổ, hoa tai…Trang phục nam của các nhánh dân tộc Nùng cơ bản là giống nhau. Kiểu dáng áo ngắn, may sát người, tay áo dài và khá rộng, cổ áo khoét tròn, áo có 7 cúc (tiếng Nùng gọi là chất kháu) và thường có 2 túi. Màu sắc chủ đạo là màu chàm, đen. Quần được cắt may theo kiểu chéo (gọi là tải dáng), ống quần rộng, đai quần được giữ bằng chun.

Bộ trang phục của người Nùng Phàn Slình Cúm Cọt được làm từ vải nhuộm chàm, ít hoa văn. Để bộ trang phục của mình nổi bật, Người phụ nữ Nùng Phàn Slình Cúm Cọt thêu chỉ màu và các hạt bạc nhỏ lên chiếc khăn đội đầu. Phụ nữ Nùng Phàn Slình Cúm Cọt thường mặc áo 5 thân màu chàm bên ngoài, bên trong sẽ mặc áo kẻ xanh hoặc kẻ đỏ, cổ áo có đính tua chỉ màu xanh, phần tua chỉ này sẽ được lộ ra bên ngoài khi mặc để tạo điểm nhấn cho chiếc áo màu chàm. Quần thường rộng khổ, gấu quần không thêu thùa, quần đũng chân què, cặp lá tọa. Khi mặc quấn dây lưng quanh bụng, hai đầu dắt mối ở hai bên hông.

Phụ nữ dân tộc Nùng Phàn Slình Cúm Cọt

Tên gọi Nùng Phàn Slình Hua Lài nghĩa là Nùng Phàn Slình Đầu Chấm (Trong tiếng Nùng, “Hua” nghĩa là “Đầu”, “Lài” nghĩa là “Chấm”). Tên gọi này được bắt nguồn từ chiếc khăn đội đầu của người phụ nữ Nùng. Trên nền khăn màu chàm, người phụ nữ thêu những hạt  màu trắng theo hàng tạo nên những đốm nhỏ nổi bật. Mỗi lần đội lên đầu, người phụ nữ được ví như đang đội trên đầu một bầu trời sao. Áo phụ nữ thường 4 thân hoặc 5 thân màu chàm. Áo ngắn được may rộng cả phần thân và tay, giúp người mặc thoải mái hơn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày hoặc khi lao động sản xuất. Cổ tay áo và phía trước ngực được đắp thêm một miếng vải khác màu tạo nên nét đặc sắc cho bộ trang phục. Quần của phụ nữ may kiểu đũng chéo chân què, cạp lá tọa. Khi mặc, dùng giải rút luồn vào phần cạp quần và buộc thắt lại. Ngày nay, quần đũng chéo dần được thay thế bằng quần lụa hoặc vải sa-tin gấp nếp 2 ống tạo đường nét mềm mại hơn.

Phụ nữ dân tộc Nùng Phàn Slình Hua Lài

Sau khi dệt những mảnh vải bằng khung cửi gỗ, người dân tộc Nùng lấy lá và thân cây chàm về ngâm vào chum nước khoảng một tháng cho đến khi nhàu nát. Sau đó lọc lấy nước rồi trộn thêm một ít vôi, nhân hạt đào phai giã nát tạo thành hỗn hợp nước màu xanh lam đậm hay còn gọi là màu chàm.

Xưa kia, Việc thêu thùa với con gái người Nùng rất được coi trọng. Nhìn vào từng đường kim mũi chỉ có thể biết được đâu là cô gái khéo léo, đảm đang. Khi về nhà chồng họ sẽ mang theo chăn, gối tự làm và coi đó như “của hồi môn” cho hạnh phúc lứa đôi. Họa tiết thổ cẩm được phối hợp giữa nhiều màu chỉ, thêu riêng từng màu. Tất cả họa tiết thổ cẩm đều được thêu tay trên nền vải chàm truyền thống. Đó là sự cách điệu họa tiết hình hoa lá, mặt trời...

Trên những chiếc áo chàm, phần khuy áo được làm thủ công, đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Phải tốn hơn 3 ngày mới khâu xong hàng khuy áo đều đặn, đẹp mắt. Tất cả họa tiết thổ cẩm được thêu trên nền vải chàm, họa tiết đối xứng.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại và bận rộn hơn trước nhưng người dân tộc Nùng ở một số huyện trên địa bàn tỉnh vẫn mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đó là cách để gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa và trang phục của người dân tộc Nùng.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn

Related Post

Sample Plan