Những điểm đến du lịch đỏ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

04/07/2022 1258 0

Nếu như trước đây, tour du lịch về nguồn thăm các di tích lịch sử cách mạng chủ yếu dành cho các cựu chiến binh, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ… thì những năm gần đây, loại hình du lịch này ngày càng thu hút giới trẻ. Các em học sinh được tham gia tour du lịch thăm các điểm di tích lịch sử, được chứng tích lịch sử còn sót lại và nghe hướng dẫn viên kể về chiến công hào hùng của cha ông. Đây cũng là dịp để các em hiểu hơn về lịch sử dân tộc và thấy tự hào hơn về quê hương mình và thế hệ đi trước nên em càng trân trọng cuộc sống này hơn, phấn đấu rèn huyện, học tập tốt hơn.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 181 di tích lịch sử - văn hóa , trong đó có 2 khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt; gần 100 điểm, khu di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều “địa chỉ đỏ” nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử Chi Lăng (huyện Chi Lăng) với 24 điểm di tích; khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn với 12 điểm di tích; khu ATK Tràng Định (Tràng Định); khu du kích Ba Sơn (Cao Lộc), khu du kích Chi Lăng (Lộc Bình), nhà Cao Phố Cũ (Đình Lập ); Khu lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri (Văn Quan), Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng)…

Di tích chiến thắng Khuổi Slao - Bông Lau huyện Tràng Định

Du lịch gắn với các di tích lịch sử luôn được địa phương chú trọng đưa vào định hướng chiến lược phát triển du lịch. Do đó, những năm gần đây, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phát huy tiềm năng của các điểm di tích lịch sử, cách mạng, phát triển sản phẩm du lịch về nguồn như: huy động nguồn lực đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, cách mạng; xây dựng các tour, tuyến du lịch về nguồn hấp dẫn; mời gọi các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch lữ hành, khảo sát, nghiên cứu các điểm du lịch về nguồn, kết nối du lịch về nguồn với các loại hình du lịch khác…

Trong những năm gần đây, du lịch về nguồn đã trở thành xu hướng phổ biến hơn tại Lạng Sơn. Tại Bắc Sơn, nơi được coi là trung tâm của những hoạt động cách mạng đầu tiên của Đảng, nhiều du khách đã đến tham quan những địa điểm nhiều nhân vật lịch sử từng hoạt động, chiến đấu. Các địa chỉ đỏ như: Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, Di tích Khuổi Nọi, Trường Vũ Lăng, Đình Nông Lục (Huyện Bắc Sơn). Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn nằm ngay cạnh QL 1B, thuộc thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn. Là nơi lưu giữ, trưng bày các tài liệu và hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, các di vật, tài liệu hiện vật liên quan đến khu di tích được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Bắc Sơn và Nhà trưng bày truyền thống trường Vũ Lăng, với tổng số 138 hiện vật, gồm: 127 hiện vật gốc, 11 hiện vật phục chế.

Di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn gồm 12 điểm, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992, phân bố trên địa bàn 06 xã: Tân Hương, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Vũ Lễ, Tân Lập, Long Đống thuộc huyện Bắc Sơn ghi dấu hàng loạt những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt các mạng Việt nam trong thời gian hoạt động cách mạng tại Bắc Sơn, bao gồm: Di tích Bó Tát (Mỏ Tát), di tích đồi Nà Kheo, di tích đình Nông Lục, di tích đồn Mỏ Nhài, di tích Thâm Thoông - Dập Dị, di tích Trường Vũ Lăng, di tích Sa Khao (Phia Khao), di tích Khuổi Nọi, di tích Lân Pán, di tích Lân Táy - Mỏ Pia, di tích hang Mỏ Rẹ, di tích Đèo Tam Canh.

Du lịch hành hương về nguồn tại các điểm trên địa bàn huyện Văn Lãng, Tràng Định cũng là một hành trình ý nghĩa: Đài chiến thắng Bông Lau - Lũng Phầy (Bản Sao, xã Tri Phương), Di tích lịch sử Chiến Thắng  Khuổi Slao Bông Lau - (xã Chi Lăng), Đài chiến thắng Bông Lau - Lũng Phầy (Bản Sao, xã Chi Lăng), Di tích Nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh và bia di tích lịch sử chiến thắng đường 4 (Thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định), Di tích Bản Nằm (xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định), Di tích cầu Bản Trại (xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định), Di tích Đèo Khách (xã Hùng Việt, huyện Tràng Định), Di tích Đèo Bó Củng - Lũng Vài và dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ đường 4 (xã An Hùng, huyện Văn Lãng).

Thành phố Lạng Sơn thu hút khách du lịch hành hương về nguồn với 2 điểm nổi bật: Thành nhà Mạc Lạng Sơn và Đoàn thành Lạng Sơn. Thành nhà Mạc nằm cạnh núi Nàng Tô Thị, là một căn cứ quân sự quan trọng, hiểm yếu trấn giữ con đường độc đạo nối giữa nước ta và Trung Quốc suốt cả thập niên cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Những thành lũy này thường lợi dụng địa hình tự nhiên như hai sườn núi tạo nên một lòng chảo khá rộng, chỉ việc xây thành bịt hai đầu. Đó là đặc điểm riêng của "Thành nhà Mạc" không giống với thành nhà Lê trước đó và thành nhà Nguyễn sau này.Thành được xây dựng bằng đá kiên cố, có lỗ châu mai. Thành dài 300m, mặt Thành dày 1m, cửa được bố trí thuận tiện cho việc phòng thủ. Lịch sử còn ghi lại rằng nhờ có Thành này, nhà Mạc đã làm cho nhà Lê - Trịnh phải khốn đốn hao binh tổn tướng. Di tích Thành cổ Lạng Sơn (hay còn gọi là Đoàn thành) nằm ở địa phận phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Thành có hình chữ nhật với chu vi hơn 1km chạy từ phía Nam hang Dê lên trường Cao Đẳng Sư phạm Lạng Sơn ra quốc lộ 1A cũ và ngược lên phía cầu Kỳ Cùng. Đoàn Thành Lạng Sơn được xây dựng từ lâu đời, là một trong những trấn án ngữ cửa ngõ phía bắc. Ở 4 cửa quay ra 4 hướng của Đoàn Thành là 4 ngôi đền: Cửa Đông, Cửa tây, Cửa Nam và Cửa Bắc, nơi thờ những vị thần trấn giữ, bảo vệ cho Thành.

Một địa điểm du lịch đỏ không thể không nhắc đến dọc theo quốc lộ 1A là Khu di tích lịch sử Chi Lăng (huyện Chi Lăng) mà nổi bật là Ải Chi Lăng. Ải Chi Lăng là một thung lũng hẹp hình bầu dục, xung quanh bốn bề núi cao, có sông Thương chảy qua, thuộc huyện Chi Lăng. Chiều dài của Ải gần 20 km, là yết hầu của đường thông thương từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ải có hai cửa: cửa phía bắc gọi là Quỷ Môn Quan; cửa phía nam gọi là Ngõ Thề (Lũy Ngõ Thề).

Để du lịch về nguồn thêm sức hấp dẫn đối với du khách, thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử, cách mạng; huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, tập trung đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cũng như tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về nguồn để các “địa chỉ đỏ” trở thành điểm đến hấp dẫn, cuốn hút du khách.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn

Related Post

Sample Plan