Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

26/05/2020 26/05/2020

4625 1

Lạng Sơn là mảnh đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng với hơn 300 lễ hội truyền thống đặc sắc; về tự nhiên có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như Động Tam Thanh, Nhị Thanh,… Bên cạnh đó, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của cha, ông, Lạng Sơn đã hình thành hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú với hơn 335 di tích lịch sử, di tích cách mạng bao gồm: khu di tích, đền chùa, đình miếu, khu mộ, nhà cổ, bia, tượng,… … Ngoài ra, Lạng Sơn còn là vùng quê xinh đẹp, với non nước xanh biếc của dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng với các lợi thế phát triển du lịch như: Cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu phong phú, đặc trưng; bản sắc văn hóa độc đáo; có nhiều di tích lịch sử văn hóa, tâm linh; hệ thống giao thông thuận lợi, có điều kiện trong liên kết vùng để phát triển du lịch (gần thủ đô Hà Nội và sân bay Vân Đồn); an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, bình yên và đáng sống; người dân Lạng Sơn thân thiện, mến khách. Đây là những lợi thế lớn của Lạng Sơn trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa vẫn là sản phẩm du lịch bền vững, bởi văn hóa - du lịch và du lịch - văn hóa phải gắn liền nhau không rời.

Lạng Sơn nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử, nhiều di tích cách mạng gắn liền với những lần đánh đuổi quân xâm lược trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Tiêu biểu là Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, Cụm di tích gắn với chiến thắng đường số 4... Lạng Sơn có nhiều di tích văn hóa lịch sử, khảo cổ độc đáo như Khu di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh, Thành Nhà Mạc, Núi Tô Thị; Cụm di tích khảo cổ Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng... Thông qua du lịch, các nét đẹp văn hóa truyền thống của Lạng Sơn được giới thiệu với người dân trong nước và khách quốc tế, hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy; đồng thời nguồn thu từ hoạt động du lịch cũng góp phần bổ sung kinh phí cho công tác tác này tại các điểm đón khách du lịch

Di tích lịch sử Ải Chi Lăng

Việc khai thác các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch và gắn di tích với du lịch không những đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, giúp thúc đẩy ngành du lịch cho tỉnh nhà mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa nhằm giới thiệu, truyền tải thông điệp rộng rãi đến các du khách trong, ngoài nước biết đến bề dày lịch sử hào hùng của người dân quê hương Xứ Lạng

Từ nhiều năm nay, các địa danh như Nhị Thanh, Tam Thanh, Đền Kỳ Cùng, chợ Kỳ Lừa,… luôn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch cả nước, đặc biệt đối với người dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Các hoạt động tham quan du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng ở Lạng Sơn tập trung chủ yếu ở Khu di tích lịch sử Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Khu di tích chiến thắng Đường 4 … Trong những năm gần đây, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng đến việc phát triển loại hình du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử bởi đây là loại hình du lịch ngày càng thu hút du khách tìm hiểu về văn hóa bản địa. Với vị trí tiền đồn của Tổ quốc, với tiềm năng du lịch phong phú, trong đó đặc biệt là các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc vùng núi Đông Bắc, giá trị riêng có gắn với lịch sử cách mạng, vị trí biên giới cửa ngõ của đất nước, du lịch Lạng Sơn có thể phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, là mắt xích quan trọng trong tuyến du lịch văn hóa - lịch sử “về với cội nguồn cách mạng” của du lịch Việt Nam. Sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh - lễ hội trong thời gian vừa qua luôn là điểm nhấn, thu hút khách du lịch (đặc biệt là khách nội địa) đến Lạng Sơn và luôn chiếm tỷ trọng lớn. Ước tính khoảng 70% lượng khách đến Lạng Sơn đi theo các loại hình du lịch văn hóa - tâm linh. Với lợi thế hơn 335 địa danh, danh thắng, di tích lịch sử, trong đó nhiều điểm đã khai thác du lịch văn hóa - tâm linh. Đầu tư cho du lịch văn hóa - tâm linh ngày càng được đẩy mạnh ở quy mô, tính chất hoạt động, tiêu biểu như các điểm di tích: đền Bắc Lệ, đền Mẫu, khu danh thắng Động Nhị - Tam Thanh, chùa Thành, chùa Tân Thanh, đền Kỳ Cùng...

Du lịch Lạng Sơn phát triển đi đôi với gìn giữ, phát huy các giá trị cảnh quan, các di tích, các giá trị văn hóa của tỉnh. Đặc biệt, các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc là những di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy thông qua quảng bá và sự giao lưu của khách du lịch. Tỉnh Lạng Sơn đang quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang cũng như nâng cấp hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch tại các điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa,… để mỗi di tích luôn là một điểm đến “Xanh, sạch, đẹp, trong lành, an toàn” đúng với thông điệp phát triển du lịch hiện nay của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các du khách trong và ngoài nước.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Bản đồ

Lịch trình mẫu