Độc đáo tết So loọc của người Tày - Nùng Lạng Sơn

04/07/2022 1877 0

Tết So loọc của người Tày và Nùng diễn ra vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch. Trong quan niệm của người Tày, Nùng truyền thống đây là một lễ tết gắn với tín ngưỡng nông nghiệp, diễn ra lúc lúa đã mọc xanh tươi. Trong ngày tết này, đồng bào chuẩn bị lễ vật để cúng thần ruộng, vía trâu… và cầu mong cây trồng phát triển tốt tươi, mùa màng bội thu.

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nhưng có địa thế tương đối thấp, ít núi trung bình và không có núi cao. Tỉnh có độ cao trung bình là 252m so với mực nước biển, nơi thấp nhất là 20m ở phía nam huyện Hữu Lũng, trên thung lũng sông Thương; nơi cao nhất là đỉnh núi Phia Pò, với độ cao 1.541m. Theo Địa chí Lạng Sơn về dân cư, dân tộc Nùng chiếm hơn 43% dân số, dân tộc Tày chiếm gần 36% dân số, dân tộc Kinh chiếm hơn 15% dân số, còn lại là các dân tộc Dao, Sán Chay, Hoa… (Địa chí Lạng Sơn 1999: 124). Người Tày và Nùng có số dân đông nhất trong các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Theo tài liệu thống kê năm 2009, số lượng người Tày là 1.626.392 người (đứng sau tộc người Kinh), người Nùng là 968.800 người (đứng thứ 6 sau tộc người Kinh). Hai dân tộc này đã sinh sống cộng cư từ lâu đời trên mảnh đất Lạng Sơn, tính riêng trong tỉnh người Nùng chiếm hơn 40% dân số, người Tày chiếm hơn 30% dân số. Người Tày cổ (bao gồm người Tày và Nùng) là những cư dân dầu tiên có công phai phá đất đai, xây dựng nên bản còn ở tỉnh Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung. Hai dân tộc Tày và Nùng đã cộng cư cùng nhau từ lâu đời và tạo ra một nền văn hóa chung của hai dân tộc. Với lịch sử cộng cư lâu đời người dân tỉnh Lạng Sơn có một nền văn hóa rất phong phú và đa dạng, một trong số đó là văn hóa lễ tết. Hầu như tháng nào người Tày, Nùng cũng có tết: tết nguyên đán (diễn ra vào tháng giêng); tết Thanh minh (mùng 3/3 âm lịch); tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch); tết So loọc (mùng 6/6 âm lịch); tết Slíp slí (ngày 14/7 âm lịch); tết Trung thu (ngày 15/8 âm lịch); tết Trùng dương (mùng 9/9 âm lịch); tết Đông chí (tùy theo từng năm, thường là tháng 11 âm lịch). Tết So loọc được tổ chức vào ngày mùng 6/6 âm lịch, gắn với khí tiết tiểu thử, lúc này thời tiết đang vào độ oi bức nhất của mùa hè. Người Tày và Nùng có câu “Bươn slam lồng chả, bươn hả đăm nà” với ý nghĩa tháng ba gieo mạ, tháng năm cấy lúa. Theo lịch sản xuất truyền thống, khi đồng bào canh tác mỗi năm một vụ lúa, thì đây đang là lúc cây lúa phát triển xanh tươi. Trước tết khoảng chục ngày, các chị các mẹ ai nấy đều tất bật chuẩn bị gạo tẻ, gạo nếp, lá chuối để “xì tải” (bánh dậm) và “pẻng tể” (bánh tẻ). Bánh tẻ được làm từ bột tẻ, người ta cho bột vào nồi quấy đều tay đến khi bột đặc quánh lại; bánh được gói bằng lá chuối, nhân được làm từ hỗn hợp lạc, thịt, mộc nhĩ, hành…. Sau khi gói xong, người ta cho bánh vào nồi đun đến khi lá chuyển màu và héo là chín. Bánh giày được làm từ bột gạo nếp, khác với cách làm bánh tẻ, người ta không đem bột đun mà cho vào túi vải ép cho bớt nước; sau khi bột ráo nước đến một mức độ nhất định người ta đem bột nặn thành hình tròn, cho nhân (nhân có thể là lạc rang hoặc đỗ xanh) vào bên trong. Sau khi gói xong, người ta cho bánh vào khuôn rồi hấp đến khi lá chuyển màu là chín.

Ngày tết So loọc người ta dậy thật sớm, ngoài những công việc hàng ngày, gia chủ phân công công việc cho từng người. Người thì đi chia phần lợn quay, người sắm sửa lễ vật cúng tổ tiên. Lễ vật cúng tổ tiên trong dịp này bao gồm thịt lợn quay, thịt vịt, bánh tẻ, bánh dậm, hương, rượu, vàng mã (chỉ xèn)…

Sau khi cúng tổ tiên xong, cả nhà sẽ sửa soạn lễ vật để gia chủ mang ra cúng thần ruộng. Lễ vật cúng thần ruộng bao gồm một vài cây tiền cắt bằng giấy màu, nhuộm vào cây tiền vài giọt máu gà… những lễ vật này sẽ được cắm ở thửa ruộng gần nhà và rảnh nước chảy vào ruộng. Đồng bào tin rằng, việc tế cây tiền có ý nghĩa là dâng cúng tiền (vật chất) cho thần ruộng, với mong muốn thần ruộng sẽ phù hộ cho một mùa màng bội thu. Ngoài ra, người Tày, Nùng quan niệm tiết gà có thể xua đuổi được ma quỷ, vậy nên đồng bào nhuộm tiết gà vào cây tiền để xua đuổi ma quỷ khỏi phá hoại mùa màng.

Trong ngày tết So loọc, ngoài cúng thần ruộng người Tày và Nùng còn cúng vía trâu. Đồng bào quan niệm rằng, trong thời gian vừa qua trâu bò đã vất vả vì con người, sáng dậy sớm kéo cày, kéo bừa… Vậy nên, trong ngày tết này người ta gọi hồn cho trâu bò, để trâu bò được khỏe mạnh. Lễ vật trong lễ cúng không thể thiếu đoạn cành núc nác với 2 mấu ở 2 đầu, giống như xương cẳng trâu. Đồng bào tin rằng, cúng đoạn cây núc nác này sẽ giúp cho xương trâu bò chắc khỏe.

Ngoài ra, cũng trong ngày tết này cha, mẹ còn thịt con gà choai (cáy tắc) cho trẻ con mang theo làm thức ăn khi đi chăn trâu. Đồng bào quan niệm rằng, trong dịp tết này cho đứa trẻ ăn thịt con “cáy tắc” thì đứa bé sẽ mau trưởng thành và mạnh mẽ. Điều này cũng tương tự như việc ăn thịt các loài vật thiêng ở các dân tộc khác, với mong muốn người ăn thịt vật thiêng vào sẽ gặp nhiều may mắn.

Sau khi cúng thần ruộng, vía trâu xong cả nhà sẽ ngồi lại cùng nhau ăn một bữa cơm sum họp thật đầm ấm. Mọi người cùng nhau kể lại những khó khăn trong một mùa sản xuất vừa qua, để cả nhà cùng nhau chia sẻ những vất vả của nhau; ông bà sẽ truyền trao cho con cháu những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất, đó là sự truyền trao kho tàng tri thức dân gian giàu giá trị; cha mẹ dạy con cháu những điều hay lẽ phải, dạy chúng phải biết yêu quý thiên nhiên, trân trọng tất thảy những ai đã giúp đỡ mình trong cuộc sống, kể cả động vật như loài trâu; con cháu được nghe người lớn tuổi chỉ bảo, được sống trong sự quan tâm của cha mẹ, được tắm mình trong không gian văn hóa Tày và Nùng đậm đà bản sắc dân tộc. Như vậy, bữa cơm này đã không còn đơn thuần là bữa ăn bình thường, mà trở thành bữa ăn cộng cảm, góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình lại gần nhau hơn.

Tết So loọc là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Tày và Nùng ở Lạng Sơn, những sinh hoạt của tết là nơi góp phần sản sinh, sáng tạo và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cùng với sự thay đổi của mọi mặt, tết cũng đang có những biến đổi mạnh mẽ nhưng hàng năm ngày tết này người dân vẫn làm bánh tẻ, vẫn thịt lợn quay, vẫn cúng thần ruộng… Và con em người Tày, Nùng khi lớn lên, dù có đi học tập, làm ăn xa người ta vẫn cồn lòng nhớ quê hương mỗi khi tết So loọc về. Như vậy, chúng tôi có thể khẳng định rằng dù xã hội có biến đổi đến đâu, tết So loọc vẫn sẽ tồn tại, bởi tết không chỉ là nơi sản sinh, sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, mà tết còn là chất keo góp phần gắn kết con người gần gũi nhau hơn.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn (ST)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu