Hội Thảo Giới Thiệu Đề Tài Khoa Học Bồi Dưỡng Nâng Cao Năng Lực Ngoại Ngữ Cho Cán Bộ Viên Chức Ngành Hải Quan, Ngoại Vụ, Du Lịch Và Biên Phòng Vùng Tây Bắc Tại Lạng Sơn.

12/09/2018 2202 0

Ngày 11/06/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo giới thiệu đề tài “Đánh giá nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng tiếng Anh, tiếng Trung và đề xuất về những điều kiện thực thi để triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng vùng Tây Bắc” tại Trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn. Đây là đề tài khoa học cấp Nhà nước do Nhà trường chủ trì thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (Gọi tắt là Chương trình Tây Bắc).

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Chủ trì hội thảo có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường/Chủ nhiệm Đề tài, PGS. TS. Nguyễn Lân Trung – Phó Chủ nhiệm Đề tài, các thành viên trong nhóm nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường.

Tới dự Hội thảo có sự hiện diện của đồng chí Hồ Tiến Thiệu – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo và đại diện các Sở, Ngành địa phương; cán bộ, viên chức thuộc các sở ngành của tỉnh và các đại biểu quan tâm.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết Đề tài dự án trọng điểm cấp Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay mà Nhà trường đã đấu thầu thành công, được Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Chương trình phê duyệt và ký hợp đồng ngày 30/10/2017 giúp khắc phục những thiếu hụt về năng lực trong việc sử dụng ngoại ngữ để thực thi công vụ cho cán bộ công chức. Thay mặt nhà trường ông trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của Bộ Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, của UBND các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, và Hà Giang, và hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo và cán bộ viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch, chỉ huy và các chiến sĩ bộ đội Biên phòng.

Trong phần giới thiệu đề tài, PGS. TS. Nguyễn Lân Trung cho biết đề tài được xây dựng nhằm đạt được 5 mục tiêu lớn: Đánh giá được thực trạng năng lực và nhu cầu ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng vùng Tây Bắc; Xây dựng được cơ sở lý luận để thiết kế chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy và phương thức học tập trực tuyến và trực tiếp; Xây dựng được mô hình bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung Quốc) cho các đối tượng nêu trên để thực thi công vụ và dịch vụ trong xu thế hội nhập quốc tế; Thí điểm thành công mô hình bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho các đối tượng nêu trên tại các tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn; Hoàn thiên được mô hình để triển khai đại trà trong toàn vùng Tây Bắc.

Nội dung của Đề tài gồm 14 chương trình và 20 tài liệu đã được xây dựng thành bộ tài liệu, chia làm 4 phần: Một là các chương trình và tài liệu dành cho cán bộ viên chức ngành Hải quan (4 chương trình, 4 tài liệu, 2 sổ tay và 1 danh mục tra cứu); Hai là các chương trình và tài liệu dành cho cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng (6 chương trình, 6 tài liệu và 1 danh mục tra cứu); Ba là các chương trình và tài liệu dành cho cán bộ viên chức ngành Du lịch (2 chương trình, 2 tài liệu, 2 sổ tay); Bốn là các chương trình và tài liệu dành cho cán bộ viên chức ngành Ngoại vụ (2 chương trình và 2 tài liệu).

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hồ Tiến Thiệu cho hay “ điểm thi Ngoại ngữ của học sinh Lạng Sơn trong các kỳ thi còn chưa cao là điều trăn trở của tỉnh. Nhu cầu sử dụng ngoại ngữ trong giao lưu làm việc với các nước bạn là vô cùng quan trọng. Nhận định đề tài sát với mong muốn, điều kiện thực tiễn của Lạng Sơn. Tỉnh đã quan tâm và sẽ còn quan tâm tiếp về vấn đề ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đặc biệt là các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên Phòng”

Cũng tại hội thảo, các đại biểu thuộc Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh; ĐHQGHN và các tham luận của Sở Ngoại vụ, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực thảo luận nhằm góp ý cho nhóm nghiên cứu tạo ra những sản phẩm sát với thực tế, mang tính thực tiễn cao với hy vọng năng cao năng lực ngoại ngữ của các cơ quan ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng, tạo cơ hội phát triển kinh tế địa phương – đất nước.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu