Khai thác tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

05/07/2022 614 0

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới phía đông bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 8.305 km2, 11 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 10 huyện. Phía Bắc tiếp giáp với Quảng Tây - Trung Quốc; Phía Tây tiếp giáp tỉnh Cao Bằng, Thái nguyên, Bắc Kạn; Phía Nam tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang; Phía Đông tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh. Có đường biên giới giáp với Quảng Tây - Trung Quốc dài hơn 235,3 km với 02 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu Hữu Nghị về đường bộ, cửa khẩu Đồng Đăng về đường sắt; 02 cửa khẩu chính và các cặp cửa khẩu phụ. Lạng Sơn là điểm đầu của Việt Nam trong hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), là của ngõ giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc. Hệ thống giao thông của Lạng Sơn khá thuận lợi, có các quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế chạy qua; với truyền thống văn hóa đặc sắc và được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đây là điều kiện thuận lợi để Lạng Sơn khai thác và phát triển các loại hình du lịch đặc thù của tỉnh.

Để phát huy lợi thế này, hiện nay Lạng Sơn đang tập trung khai thác các sản phẩm du lịch chủ yếu sau:

Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng: Các hoạt động tham quan du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng ở Lạng Sơn tập trung chủ yếu ở Khu di tích lịch sử Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Khu di tích chiến thắng Đường 4 anh hùng…

Sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh - lễ hội: Du lịch văn hóa - tâm linh luôn là điểm nhấn, thu hút khách du lịch (đặc biệt là khách nội địa) đến Lạng Sơn và luôn chiếm tỷ trọng lớn. Ước tính khoảng 70% lượng khách đến Lạng Sơn đi theo các loại hình du lịch văn hóa - tâm linh. Lạng Sơn có hơn 335 địa danh, danh thắng, di tích lịch sử và hơn 300 lễ hội; trong đó nhiều điểm có thể khai thác du lịch văn hóa - tâm linh. Đầu tư cho du lịch văn hóa - tâm linh ngày càng được đẩy mạnh ở quy mô, tính chất hoạt động, tiêu biểu như: đền Bắc Lệ, đền Mẫu, khu danh thắng Động Nhị - Tam Thanh, chùa Thành, chùa Tân Thanh, đền Kỳ Cùng, chùa Bắc Nga...

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ  diễn ra ngày 22-27 tháng Giêng

Sản phẩm du lịch biên giới, cửa khẩu kết hợp mua sắm: Hoạt động du lịch tham quan, mua sắm phát triển khá sôi động ở Lạng Sơn, đặc biệt là ở cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng, Tân Thanh, chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa…, thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc và khách nội địa.

Sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng: Hoạt động du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả, giúp người dân chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường, bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa. Hiện nay, có 2 mô hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh ở các xã: Bắc Quỳnh, Vũ Lăng (huyện Bắc Sơn) và Hữu Liên (huyện Hữu Lũng). Mô hình du lịch cộng đồng đã và đang được nhân rộng và phát triển tại một số địa bàn tỉnh hứa hẹn trong thời gian không xa sẽ trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của các địa phương.

Sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng: Lạng Sơn có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái như khu rừng đặc dụng Hữu Liên, Khu bảo tồn Bắc Sơn, Khu du lịch Mẫu Sơn… Ngoài ra, thảo nguyên Khau Sao (thuộc thôn Suối Mạ A, xã Hữu Kiên, Chi Lăng) là một trong những thảo nguyên còn hoang sơ và đẹp nhất cả nước, nơi được mệnh danh là Vương quốc ngựa bạch với đàn ngựa 1.700 con, trong đó có hơn 700 con ngựa bạch thuần chủng, khu thắng cảnh Đồng Lâm (Hữu Liên, Hữu Lũng), thác Đăng Mò (Bình Gia), Thung lũng Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn)... là những địa điểm thu hút đông đảo du khách nghỉ dưỡng, đặc biệt những dịp cuối tuần. Cùng với đó các sản phẩm du lịch leo núi thể thao mạo hiểm, chơi golf, dù lượn ở các khu vực Mẫu Sơn, Khau Sao, Bắc Sơn, Yên Thịnh...là một trong những hoạt động du lịch đã tạo được nhiều ấn tượng đối với du khách trong các kỳ nghỉ.   

Sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn: Trong những năm gần đây, du lịch gắn với các làng nghề, gắn với nông nghiệp đang trở thành hướng phát triển du lịch mới của tỉnh Lạng Sơn, bước đầu đã có những thành công nhất định. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp, gây dựng được thương hiệu cho du lịch nông nghiệp. Ngày hội Na Chi Lăng; Hội thi hồng Vành Khuyên huyện Văn Lãng; Hội thi hồng không hạt Bảo Lâm, Lễ hội Quýt Bắc Sơn…, đã tạo nhiều ấn tượng về Lạng Sơn đối với khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn còn nhiều sản phẩm từ các làng nghề khác có thể kết hợp một cách sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: cao khô Vạn Linh, hoa hồi Văn Quan, bánh khảo Tràng Định, các sản phẩm từ cây thạch đen...

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu