Khai Thác Tiềm Năng Du Lịch Hữu Liên Gắn Kết Với Vùng Phụ Cận

18/07/2018 3793 0

Hữu Liên là xã vùng III của huyện Hữu Lũng, cách trung tâm huyện khoảng 25 km về phía Bắc. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống đường giao thông liên huyện ở đây phát triển khá. Hơn nữa, trên địa bàn xã còn có khu rừng đặc dụng (RĐD) Hữu Liên, có điểm di tích cấp tỉnh, làng bản dân tộc thiểu số, đây là một trong những thế mạnh có thể phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Nhà sàn Hữu Liên

Xã Hữu Liên thuộc vùng núi đá của huyện Hữu Lũng, có tổng diện tích hơn 6.000 ha, dân số hơn 3.000 người gồm 5 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông. Trên địa bàn có khu RĐD Hữu Liên, diện tích 8.293 ha nằm trên địa bàn của 3 huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng và Văn Quan. Khu rừng này có hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú với những dãy núi đá vôi hiểm trở nên đã tạo nên cảnh quan đẹp đặc sắc gồm các hang động, suối ngầm và các hồ ngập nước theo mùa. Hoà cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ là bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Kinh… Đó là những  không phải nơi nào cũng có được. Từ những giá trị của tự nhiên ban tặng, RĐD Hữu Liên đã được đưa vào danh lục hệ thống RĐD của nước ta. Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 1976/QĐ-TTg về “Phê duyệt quy hoạch hệ thống RĐD cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Theo đó, toàn bộ diện tích RĐD Hữu Liên được bảo tồn hệ sinh thái rừng, các loài quý, hiếm và cảnh quan môi trường; đây có thể coi là một thế mạnh phục vụ cho phát triển loại hình du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng Ban quản lý RĐD Hữu Liên cho biết: Hằng năm, khu rừng này thu hút hàng chục đoàn với hàng trăm lượt người đến tham quan khảo sát hệ sinh thái rừng đặc dụng.

Ngoài khu RĐD Hữu Liên, cách UBND xã khoảng 3 km còn có khu Đồng Lâm – một khu đất rộng tới trăm héc ta với cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình; trên núi có hang, giữa có cánh đồng cỏ bằng phẳng và dòng suối chảy qua. Địa điểm này mỗi năm cũng thu hút tới hàng nghìn lượt bạn trẻ và du khách nước ngoài đến tham quan.

Cùng với hệ sinh thái tự nhiên, trên địa bàn còn có nhà thờ Tự Đức thánh Quý Minh Đại Vương, là một trong ba vị tướng được Triều đình phong tước, có sắc của vua ban cho Quý Minh là “Thượng đẳng thần”. Năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể lễ hội gò chùa Hữu Liên vào ngày 13/3 âm lịch. Đối với lễ hội này, xã đã phục dựng lại các nghi lễ, trò chơi diễn xướng dân gian. Hoạt động bảo tồn loại hình văn hoá đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự và trải nghiệm du lịch tâm linh.

Hoà cùng núi rừng, cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng, tại các làng bản, chúng ta còn được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhà sàn 4 mái lợp ngói âm dương của người dân tộc Tày, dân tộc Dao sinh sống qua nhiều thế hệ. Một di sản văn hoá kiến trúc nhà sàn, tồn tại song song với di sản văn hoá phi vật thể như: hát pá xoan, hát nhà tơ, hát then, diễn chèo cổ, bài thuốc nam dân gian, cùng với những trang phục độc đáo của dân tộc Dao chỉ có ở xã Hữu Liên.

Ông Hoàng Minh Luật, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: do xã có  điều kiện tự nhiên, tiềm năng phù hợp với nhiều loại hình du lịch, trong thời gian gần đây, du khách thập phương đến địa bàn xã tham quan khá đông; riêng trong 5 tháng 2016, ước có khoảng 5.000 lượt người đến tham quan tìm hiểu đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây.

Nhằm khai thác tiềm năng phát triển du lịch của xã Hữu Liên, trung tuần tháng 5/2016, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp với Phòng Văn hoá- Thông tin huyện và xã Hữu Liên tiến hành khảo sát các điểm có thể phát triển du lịch. Thông quan đợt khảo sát này, Trung tâm Xúc tiến du lịch sẽ xây dựng tour du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn kết với vùng phụ cận. Tour du lịch  xuất phát từ thành phố Lạng Sơn- đền Quan Sát- đền Bắc Lệ- rừng Hữu Liên, xã Hữu Liên – khu ATK Bắc Sơn. Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng của Hữu Liên là hướng đi đúng đắn được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng tour, tuyến du lịch, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời nâng cao mức sống, tạo việc làm cho người dân bản địa.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu