Khai thác tiềm năng phát triển du lịch huyện Lộc Bình

02/12/2020 2402 0

Lộc Bình là huyện miền núi giáp biên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Nơi đây có hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng các di sản văn hóa rất phong phú và đa dạng, đặc biệt huyện có lợi thế rất lớn khi điểm du lịch núi Mẫu Sơn được tỉnh quy hoạch và xây dựng thành điểm du lịch quốc gia, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch ở vùng đất này.

Lộc Bình có đường biên giới dài 28,89 km và có cửa khẩu Chi Ma tiếp giáp với Trung Quốc. Khai thác lợi thế đó, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, những năm qua, huyện Lộc Bình đã thực hiện các chương trình, kế hoạch quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế cửa khẩu, đồng thời quy hoạch và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, huyện có hệ thống di tích lịch sử – văn hóa lâu đời và mang nhiều giá trị nhân văn như: đình Vằng Khắc, chùa Trung Thiên, giếng làng cổ 100 tuổi, Khu du kích Chi Lăng,… đã đi vào lịch sử, trở thành những địa chỉ giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cùng đó, Lộc Bình còn có 14 hồ nhân tạo vừa và lớn, trong đó nổi tiếng là các hồ chứa như: Tà Keo, Nà Cáy, Bản Chành; thác Khuôn Van, suối Long Đầu,… Đáng chú ý, trong năm 2017, danh thắng thác Bản Khiếng (xã Hữu Khánh) được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt, điểm du lịch núi Mẫu Sơn – một điểm du lịch nổi tiếng của Xứ Lạng và cũng là điểm nhấn của du lịch huyện Lộc Bình đã được UBND tỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng thành Khu du lịch quốc gia. Đây là những yếu tố tạo rất nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch huyện.

Thác Bản Khiếng

Không chỉ có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử, Lộc Bình còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật, nơi sinh sống và giao thoa văn hóa của các dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao… với nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc như: hát then, sli, lượn, slắng cọ, múa sư tử mèo, múa võ dân tộc, bắn nỏ, nghi lễ cấp sắc của người Dao… Vùng đất Lộc Bình còn có văn hóa ẩm thực miền sơn cước độc đáo với những đặc sản: rượu, đào Mẫu Sơn, gà 6 cựa, ếch hương, thịt treo gác bếp…

Để công tác phát triển du lịch tại Lộc Bình đạt được hiệu quả,  nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng du lịch đã được huyện đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mới như: đầu tư phục dựng đền thờ tại địa điểm núi Phặt Chỉ và đền cổ tại Khu linh địa cổ Mẫu Sơn; quy hoạch phát triển du lịch tại các điểm: đình Vằng Khắc, chùa Trung Thiên, suối Long Đầu, Khu du kích Chi Lăng… Phát triển sản xuất, quảng bá các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến đầu tư mời gọi các nhà đầu tư với nhiều cơ chế ưu đãi, tổ chức các hoạt động xúc tiến, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại du lịch vào điểm du lịch núi Mẫu Sơn và điểm du lịch thác Bản Khiếng. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ tại 15 cơ sở lưu trú (trong đó có 164 buồng với 227 giường nghỉ).

Khu du lịch Mẫu Sơn

Ngành du lịch Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch, tham mưu nhiều giải pháp phát triển du lịch huyện Lộc Bình như: phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ tại các điểm đến và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh, danh thắng, du lịch cộng đồng… Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất tạo các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương; kết nối một số điểm du lịch trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các tour: thành phố Lạng Sơn – Khu du lịch Mẫu Sơn – thác Bản Khiếng – Cửa Khẩu Chi Ma…

Thời gian gần đây, thác Bản Khiếng (huyện Lộc Bình) là một trong những điểm du lịch thu hút những người thích khám phá và cũng là điểm đến được nhiều gia đình lựa chọn nghỉ ngơi, tận hưởng không gian xanh mát vào mỗi dịp cuối tuần.

Thác Bản Khiếng cách trung tâm thị trấn Lộc Bình 6 km,  nằm trên địa phận thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn và thôn Bản Khiếng, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình. Thác bắt nguồn từ dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ có độ cao trên 1.000 m. Vùng núi có hàng chục con suối lớn, nhỏ chảy qua và Bản Khiếng chính là một trong những thác suối lớn nhất trong số đó.

Thác Bản Khiếng có chiều dài 1.320 m, được chia làm 3 phần ngăn cách bởi 3 thác nước, mỗi thác cách nhau từ 200 đến 300 m, thác có độ cao từ 2 – 8 m, dưới chân các thác nước là những hồ nước có độ sâu từ 1 m đến 2 m, đáy suối là nền đá, được phủ một lớp đá sỏi cuội. Ở khu vực thượng nguồn có những thác nước lớn cao tới hơn 3 m, còn lại là các thác nước nhỏ. Do lòng thác hẹp và dốc nên đã tạo cho danh thắng này rất nhiều điểm thác ghềnh với nguồn nước suối trong vắt chảy ra từ vách núi, kết hợp với hệ sinh thái rừng nguyên sinh hai bên bờ suối, tạo nên một khung cảnh trữ tình. Danh thắng thác Bản Khiếng được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2017.

Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế của danh thắng thác Bản Khiếng, thời gian qua, các cấp, ngành đã có sự ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng thác trở thành khu du lịch sinh thái của tỉnh. Theo đó, dự án “Khu du lịch sinh thái danh thắng thác Bản Khiếng” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1015/QĐ-UBND ngày 31/5/2018 về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái thác Bản Khiếng, Bản Khoai, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Dự án đầu tư theo 2 giai đoạn (giai đoạn 1: từ tháng 4/2019 đến hết tháng 8/2021; giai đoạn 2: từ tháng 8/2021 đến tháng 5/2022).

Dự án do Công ty Cổ phần kiến trúc và phát triển du lịch làm chủ đầu tư, trong đó, tổng diện tích xây dựng thác Bản Khiếng là 8,69 ha; được phân chia thành 2 khu chính là khu A (trên địa bàn thôn Bản Khiếng, xã Hữu Khánh) và khu B (thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn). Khu A gồm: bãi đỗ xe; nhà tiếp đón; nhà hội thảo; nhà ăn; khu biệt thự ven suối; khu dịch vụ công cộng… Khu B gồm: bãi đỗ xe nhỏ, khu vực đường giao thông kết nối liên thôn; đường ngắm cảnh dọc 2 bên bờ suối; phòng nghỉ, khu dịch vụ…

Dù chưa được xây dựng hoàn thiện, nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, điểm du lịch đã được nhiều người biết đến và tới tham quan, trải nghiệm. Cao điểm vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, điểm du lịch đón từ 200 - 600 lượt khách. Trong 4 ngày nghỉ lễ (30/4 - 3/5/2020), điểm du lịch này đã đón trên 1.000 lượt khách. Du lịch thác Bản Khiếng cùng với Khu du lịch Mẫu Sơn là hai trong rất nhiều điểm du lịch ở Lộc Bình thu hút đông khách du lịch, hứa hẹn sẽ là điểm nhấn của du lịch Lạng Sơn trong thời gian tới.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng  Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu