Lạng Sơn Khảo Sát Tham Quan Học Tập Mô Hình Quản Lý, Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Tại Tỉnh Sơn La Và Thái Nguyên

12/09/2018 2084 0

Nhằm học tập kinh nghiệm làm du lịch Cộng đồng để áp dụng triển khai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 14/7 đến hết ngày 16/7/2018 trung tâm Thông tin Xúc tiến Lạng Sơn đã tổ chức đoàn khảo sát và học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Sơn La và Thái Nguyên. Đoàn khảo sát gồm 32 người là cán bộ phòng Quản lý Du lịch, lãnh đạo, viên chức Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch; Lãnh đạo, công chức Phòng Văn hóa Thông tin các huyện Bắc Sơn, Bình Gia; Đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND, cán bộ văn hóa xã và một số hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tại các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Bắc Sơn, Chiến Thắng (huyện Bắc Sơn) và Mông Ân (huyện Bình Gia). Hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Sơn La nằm trong kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng huyện Bắc Sơn năm 2018 được đơn vị ban hành từ đầu năm. Theo kế hoạch Đoàn đã khảo sát ở các điểm Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Kết hợp tham quan một số sản phẩm du lịch phụ cận (Tham quan Khu di tích Quốc gia Tây Tiến, Khu du lịch sinh thái thác Dải Yến, Khu Resort Thảo Nguyên Mộc Châu), Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc Tày sinh thái Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên.

Hiện nay, mỗi làng DLCĐ tỉnh Sơn La đều thực hiện quản lý theo mô hình hợp tác xã do dân bầu. Tất cả các hoạt động du lịch trên địa bàn đều thuộc sự điều phối, đôn đốc, theo dõi quản lý của hợp tác xã. Mỗi HTX xây dựng một quy chế quản lý riêng trên cơ sở đảm bảo các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của thành viên tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, đảm bảo tính liên kết bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng kênh thông tin quảng bá tập trung thống nhất. Các hộ gia đình khi có nhu cầu tham gia hoạt động lưu trú, dịch vụ du lịch cộng đồng phải thực hiện hồ sơ trình Sở VHTTDL thẩm định và công nhận, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo hướng dẫn trong đó yếu tố bắt buộc phải có là bản sắc văn hóa dân tộc. Về các sản phẩm, dịch vụ, hiện nay các làng DLCĐ huyện Mộc Châu tập trung kinh doanh chủ yếu hoạt động lưu trú tham quan, ăn uống và đáp ứng một số sản vật địa phương khác như sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (bò sữa, chè, hoa quả), đan lát, thổ cẩm. Hoạt động của các đội văn nghệ biểu diễn được chú trọng đầu tư với hơn 3.000 đội văn nghệ cộng đồng trên toàn tỉnh. Các đội văn nghệ được Trung tâm Văn hóa tỉnh và các cơ quan chuyên môn liên quan hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng lồng ghép theo chương trình, kế hoạch hàng năm.

Trong chương trình tham quan, đoàn đã tổ chức học tập kinh nghiệm thực tế tại, tỉnh Thái Nguyên. Đây là 1 trong 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tỉnh Thái Nguyên thu hút khách du lịch từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt nhiều giải thưởng có giá trị. Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc Tày sinh thái Thái Hải với không gian tươi xanh, rộng khoảng 25 ha với núi đồi cỏ cây, hoa và hồ nước; có 30 ngôi nhà sàn nguyên bản có tuổi đời hàng trăm năm được phục dựng lại. Các hoạt động chủ yếu là: Lưu trú nghỉ dưỡng, ẩm thực dân tộc, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt; sản xuất rau sạch, chè, rượu dân tộc… Trải nghiệm của khách du lịch bao gồm: Tìm hiểu văn hóa truyền thống  dân tộc Tày (cuộc sống sinh hoạt phong tục tập quán, trang phục, văn hóa văn nghệ, các nghi lễ, ẩm thực…; Trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cùng “bản làng” trồng rau, hái rau, hái chè, đánh cá, giã bánh giày, giã cốm, rang ngô, nướng khoai, thưởng thức trà xanh bếp lửa nhà sàn, nghe đàn tính, hát then ….)

Đoàn khảo sát đã ghi nhận được nhiều kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; cách vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, liên kết phát triển du lịch; hình thành các tour, tuyến du lịch gắn với chương trình nghệ thuật và di sản văn hóa để phục vụ du khách; Bên cạnh đó, Đoàn khảo sát còn được tham quan, thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc do bà con bản chế biến và giao lưu văn nghệ với những bài hát, làn điệu êm dịu, những điệu múa do chính những chàng trai, cô gái trong Bản biểu diễn.

Tại các địa phương, Đoàn khảo sát còn được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đón tiếp, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng (homestay) như: công tác quản lý nhà nước; xây dựng kế hoạch, dự án phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; cách thức xây dựng và hình thành các mô hình, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hướng dẫn, gắn kết cộng đồng; tổ chức hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm, phục vụ nhu cầu đi lại, ăn uống, vệ sinh môi trường của khách du lịch.

Thông qua chuyến khảo sát, học tập mô hình du lịch cộng đồng (homestay), các thành viên trong Đoàn có điều kiện tiếp cận thực tế, học hỏi và tăng cường giao lưu, tạo mối quan hệ liên kết, hợp tác cùng phát triển trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, thu hút đầu tư và kinh nghiệm áp dụng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương; cùng với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc, khôi phục lễ hội truyền thống và nghệ thuật dân gian tiêu biểu; phát triển làng nghề gắn với du lịch… hướng đến phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu