Tiềm năng du lịch tỉnh Lạng Sơn và huyện Văn Quan

25/11/2020 4792 0

Lạng Sơn có nhiều tiềm năng tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch. Từ nhiều năm nay, các địa danh như Nhị Thanh, Tam Thanh, cầu Kỳ Cùng, chợ Kỳ Lừa, cửa khẩu Hữu Nghị, ga quốc tế Đồng Đăng… luôn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch cả nước, đặc biệt đối với người dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Với vị trí tiền đồn của Tổ quốc, với tiềm năng du lịch phong phú, trong đó đặc biệt là các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc vùng núi Đông Bắc, giá trị riêng có gắn với lịch sử cách mạng, vị trí biên giới cửa ngõ của đất nước, du lịch Lạng Sơn có thể phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, là mắt xích quan trọng trong tuyến du lịch văn hóa - lịch sử “về với cội nguồn cách mạng” của du lịch Việt Nam. Theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn toàn tỉnh có 335 di tích, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt; 27 điểm, khu di tích cấp Quốc gia; 98 điểm, khu di tích cấp tỉnh; 209 điểm, khu di tích được kiểm kê, phân loại, chưa được xếp hạng. Theo loại hình, gồm 112 di tích lịch sử, 163 di tích kiến trúc nghệ thuật, 37 di tích khảo cổ, 23 di tích danh lam thắng cảnh. Một số di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật có giá trị phục vụ phát triển du lịch của Lạng Sơn, bao gồm: Khu di tích lịch sử Chi Lăng; Thành Nhà Mạc; Di tích thành cổ Đoàn Thành Lạng Sơn; Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn; Khu di tích núi Phai Vệ; Khu lưu niệm Hoàng Văn Thụ; Chùa Tam Thanh; Chùa Tiên; Đền Bắc Lệ; Đền Kỳ Cùng; Chùa Thành; Đền Tả Phủ; Đền Cửa Tây; Đền Cửa Đông; Cửa Nam, Đền Mẫu Đồng Đăng; Thủy Môn Đình; Phố chợ Kỳ Lừa…

Đền Mẫu Đồng Đăng - Huyện Cao Lộc

Lạng Sơn có hoạt động lễ hội trong năm với những bản sắc khác nhau. Tùy vào nội dung hoạt động có thể phân ra các loại hình lễ hội lịch sử, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian. Người Nùng, người Tày ở Lạng Sơn có những hoạt động lễ hội mang bản sắc riêng như hát then, hát sli, hát lượn, hội Lồng Tồng. Đặc biệt, các chợ phiên mang bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao. Các chợ phiên nổi tiếng ở Lạng Sơn như Kỳ Lừa, Đồng Đăng, Đồng Mỏ, Thất Khê..  Một số lễ hội đã và đang thu hút khách du lịch: Lễ hội chùa Bắc Nga; Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng; Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (hội Đầu Pháo); Lễ hội Ná Nhèm (Mặt Nhọ); Lễ hội Trò Ngô; Lễ hội Bủng Kham; Lễ hội Phài Lừa, Lễ hội Trò Ngô, Lễ hội đền Bắc Lệ…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 15 nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống chủ yếu gồm các nghề về: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh...

Lễ hội chùa Tam Thanh

Các làng nghề cần được bảo tồn lâu dài gồm: Làng nghề làm cao khô (mì gạo) xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng và xã Yên Phúc, huyện Văn Quan; Làng nghề đan lồng chim xã Chiến Thắng, xã Vân An, huyện Chi Lăng; Làng nghề nấu rượu men lá theo phương pháp thủ công tại xã Công Sơn, Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc; Làng nghề đan nong, nia tại xã Chi Lăng huyện Chi Lăng; Làng nghề làm ngói âm dương xã Bắc Quỳnh huyện Bắc Sơn. Các làng có nghề thủ công truyền thống là điểm đến của khách du lịch để tham quan, trải nghiệm, mua sắm quà lưu niệm...

Lạng Sơn có nhiều loại hình văn nghệ dân gian tiêu biểu là hát then, hát sli, hát lượn của dân tộc Tày, Nùng, Dao… Hát Then đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát sli của người Nùng, tỉnh Lạng Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhìn chung, hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân ca dân vũ, diễn xướng dân gian của các dân tộc ở Lạng Sơn thường gắn với lễ hội truyền thống, các nghi lễ tôn giáo, tâm linh, chu kỳ vòng đời và gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Tất cả đã gắn bó với nhau tạo nên giá trị bức tranh bản sắc văn hóa độc đáo Xứ Lạng.

Lạng Sơn từ lâu đã nổi tiếng với nhiều món ăn độc đáo như khau nhục, vịt quay, lợn quay, bánh cuốn, phở chua, xôi ngũ sắc, bánh ngải, bánh cuốn trứng, phở chua và một số món ăn dân tộc Tày, Nùng khác… Các đặc sản đặc trưng như măng ớt, rượu Mẫu Sơn; các sản vật tự nhiên như mơ, thạch đen Tràng Định, mận Bình Gia, lê Thất Khê, hồng Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn, na Chi Lăng, đào, chanh rừng, nấm hương rừng Mẫu Sơn… luôn hấp dẫn khách du lịch thưởng thức và mua về làm quà biếu.

Đánh giá chung tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn: Tỉnh Lạng Sơn có các lợi thế lớn để phát triển du lịch như: Cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu phong phú, đặc trưng; bản sắc văn hóa độc đáo; có nhiều di tích lịch sử văn hóa, tâm linh; hệ thống giao thông thuận lợi, có điều kiện trong liên kết vùng để phát triển du lịch (gần thủ đô Hà Nội và sân bay Vân Đồn); an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, bình yên và đáng sống; người dân Lạng Sơn thân thiện, mến khách. Đây chính là điều kiện tốt để phát triển du lịch.

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Lạng Sơn đa dạng và phong phú với các danh lam thắng cảnh; hang động; sông hồ; hệ sinh thái đặc trưng; khí hậu ôn hòa… Những tài nguyên du lịch tự nhiên đặc trưng của Lạng Sơn, có lợi thế so sánh với các tỉnh trong vùng bao gồm: Di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh với Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đã đi vào thơ ca Xứ Lạng; cảnh quan, khí hậu núi Mẫu Sơn gắn với khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn; cảnh quan gắn với sông Kỳ Cùng, dòng sông độc đáo duy nhất của nước ta chảy từ Đông sang Tây và ngược về phía Bắc…

Về tài nguyên du lịch văn hóa, Lạng Sơn nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử, nhiều di tích cách mạng gắn liền với những lần đánh đuổi quân xâm lược trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Tiêu biểu là Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, Cụm di tích gắn với chiến thắng đường số 4...

Lạng Sơn có nhiều di tích văn hóa lịch sử, khảo cổ độc đáo như Khu di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh, Thành Nhà Mạc, Núi Tô Thị; Cụm di tích khảo cổ Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng...

Lạng Sơn cũng là nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc, bao gồm 7 dân tộc chính, trong đó dân tộc Nùng chiếm 42,8%; dân tộc Tày 35,4%; dân tộc Kinh 17,11%; dân tộc Dao 3,5%; dân tộc Sán Chay 0,6%; dân tộc Hoa 0,3%; dân tộc Mông 0,17%; các dân tộc khác chiếm 0,12% với những phong tục, tập quán, lễ hội, những làn điệu dân ca, những phiên chợ vùng cao, những sắc màu trang phục truyền thống, những áng ca dao, ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc.

Đây là những lợi thế lớn của Lạng Sơn trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch tỉnh Lạng Sơn. Ở cấp độ phát triển du lịch theo vùng, Lạng Sơn thuộc Vùng du lịch Trung du Miền núi Bắc Bộ. Phía Đông Nam, Lạng Sơn kề liền với Quảng Ninh kết nối với Hạ Long, Cát Bà, Vân Đồn - một trong những trung tâm du lịch biển của cả nước và cũng là một trong ba đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch phía Bắc. Về phía Nam, Lạng Sơn kết nối với Hà Nội - trung tâm du lịch của cả nước và trở thành cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô. Phía Tây, Tây Bắc và Tây Nam là các tỉnh của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, cầu nối phát triển du lịch Lạng Sơn sang khu vực Tây Bắc.

Với vị trí quan trọng đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Lạng Sơn là mắt xích hết sức quan trọng trong tuyến du lịch xuyên Việt và quốc tế cũng như hành lang du lịch vành đai biên giới, là trung tâm của Tiểu vùng Đông Bắc và là địa bàn du lịch trọng điểm của Vùng du lịch Trung du Miền núi Bắc Bộ.

Phát triển du lịch Lạng Sơn trước mắt và lâu dài là phù hợp với Chiến lược và định hướng phát triển du lịch Việt Nam, xu thế hội nhập và phát triển du lịch khu vực và thế giới; khẳng định vị trí quan trọng của du lịch Lạng Sơn nói chung đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam. Hiện nay, các sản phẩm du lịch của Lạng Sơn đang được khai thác bao gồm:

- Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng: Các hoạt động tham quan du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng ở Lạng Sơn tập trung chủ yếu ở Khu di tích lịch sử Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Khu di tích chiến thắng Đường 4 …

- Sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh - lễ hội: Thời gian vừa qua, du lịch văn hóa - tâm linh luôn là điểm nhấn, thu hút khách du lịch (đặc biệt là khách nội địa) đến Lạng Sơn và luôn chiếm tỷ trọng lớn. Ước tính khoảng 70% lượng khách đến Lạng Sơn đi theo các loại hình du lịch văn hóa - tâm linh. Lạng Sơn có hơn 335 địa danh, danh thắng, di tích lịch sử và hơn 300 lễ hội; trong đó nhiều điểm có thể khai thác du lịch văn hóa - tâm linh. Đầu tư cho du lịch văn hóa - tâm linh ngày càng được đẩy mạnh ở quy mô, tính chất hoạt động, tiêu biểu như: đền Bắc Lệ, đền Mẫu, khu danh thắng Động Nhị - Tam Thanh, chùa Thành, chùa Tân Thanh, đền Kỳ Cùng... Tuy nhiên, loại hình du lịch này thường theo mùa vụ, nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch tương đối thấp.

- Sản phẩm du lịch biên giới, cửa khẩu kết hợp mua sắm: Hoạt động du lịch tham quan, mua sắm phát triển khá sôi động ở Lạng Sơn, đặc biệt là ở cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng, Tân Thanh, chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa…, thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc và khách nội địa. Tuy nhiên, loại hình du lịch này chưa thu hút được nhiều hãng lữ hành của Việt Nam và Trung Quốc tham gia.

- Sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng: Những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng homestay phát huy hiệu quả, giúp người dân chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Hiện nay, có 2 mô hình du lịch cộng đồng homestay khá thành công ở các xã: Bắc Quỳnh, Vũ Lăng (huyện Bắc Sơn) và Hữu Liên (huyện Hữu Lũng), xã Mông Ân (huyện Bình Gia). Mô hình du lịch cộng đồng homestay đã và đang được nhân rộng, phát triển tại một số địa bàn khác trong tỉnh đã dưới sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các địa phương.

- Sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng: Lạng Sơn có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái như khu rừng đặc dụng Hữu Liên, Khu bảo tồn Bắc Sơn, Khu du lịch Mẫu Sơn… Ngoài ra, thảo nguyên Khau Sao (thuộc thôn Suối Mạ A, xã Hữu Kiên, Chi Lăng) là một trong những thảo nguyên còn hoang sơ và đẹp nhất cả nước, nơi được mệnh danh là Vương quốc ngựa bạch với đàn ngựa 1.700 con, trong đó có hơn 700 con ngựa bạch thuần chủng, khu thắng cảnh Đồng Lâm, Hữu Liên, Hữu Lũng, Thung lũng Bắc Sơn… Mặc dù sở hữu nhiều tài nguyên du lịch sinh thái có sức hấp dẫn, nhưng loại hình du lich này hiện mới thu hút được một vài doanh nghiệp khai thác du lịch với quy mô hạn chế và không thường xuyên.

- Sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn: Trong những năm gần đây, du lịch gắn với các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đang trở thành hướng phát triển du lịch mới của tỉnh Lạng Sơn, bước đầu đã có những thành công nhất định. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp, gây dựng được thương hiệu cho du lịch nông nghiệp. Ngày hội Na Chi Lăng; Hội thi hồng Vành Khuyên huyện Văn Lãng; Hội thi hồng không hạt Bảo Lâm…, đã tạo nhiều ấn tượng về Lạng Sơn đối với khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn còn nhiều sản phẩm từ các làng nghề khác có thể kết hợp một cách sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: quýt Bắc Sơn, cao khô Vạn Linh, hoa hồi Văn Quan, bánh khảo Tràng Định... Ngoài ra tỉnh còn có loại hình sản phẩm du lịch leo núi thể thao mạo hiểm, chơi golf, dù lượn ở các khu vực Mẫu Sơn, Khau Sao, Băc Sơn, Yên Thịnh...

Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân tập trung mọi nguồn lực để phát huy những tiềm năng và lợi thế của đất nước nhằm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Để thực hiện hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển du lịch cả nước, mỗi địa phương cần phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội của địa phương, tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương. Trong Không gian du lịch phía Tây: Bao gồm các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan. Đây là cửa ngõ phía Tây của du lịch Lạng Sơn (theo quốc lộ 1B và quốc lộ 279), cầu nối du lịch tỉnh Lạng sơn với Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang và các tỉnh khác thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Về sản phầm du lịch, đã hình thành, phát triển và bước đầu khẳng định thương hiệu với các dòng sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở Bắc Sơn; tham quan di tích lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng …

Văn Quan là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn thuộc cánh cung Bắc Sơn của vùng Đông Bắc Việt Nam. Trên địa bàn huyện Văn Quan có nhiều điểm danh lam thắng cảnh có thể khai thác phát triển du lịch như: Khu hồ Bản Nầng (Tân Đoàn), đập Bản Quyền (Thị trấn Văn Quan), thung lũng Nà Lùng (Hữu Lễ) những cánh rừng hồi bạt ngàn… có thể xây dựng thành khu du lịch sinh thái; các hang động đẹp, kỳ vĩ có thể phát triển du lịch khám phá (Hệ thống hang động của xã Vân Mộng, Tràng Phái, Tân Đoàn, Hữu Lễ…).

Non nước Văn Quan

Văn Quan có 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó chủ yếu là di tích lịch sử cách mạng, tiêu biểu như di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri là di tích xếp hạng cấp quốc gia; di tích cầu đá - bia đá Dã Nham - xã Xuân Mai là di tích có niên đại từ thế kỷ thứ XVIII… Đồng thời, Văn Quan còn là nơi phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử thuộc nền văn hóa Bắc Sơn với nhiều đặc điểm và giá trị như tại hang Pác Ả - Kéo Vãng (Vĩnh Lại), hang Bà Đầm (Tân Đoàn), hang Bản Háu (Tràng Phái)…

Bên cạnh những giá trị tự nhiên, lịch sử, mảnh đất Văn Quan còn là nơi nuôi dưỡng và lưu giữ một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, lâu đời của đồng bào Tày và đồng bào Nùng. Những nét văn hóa riêng, đặc trưng của người Tày, Nùng không chỉ thể hiện trong sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn thể hiện rõ nét qua tập tục sinh đẻ, cưới xin, ma chay, lễ tết… Đặc biệt, các làn điệu dân ca hát then, sli, lượn, phong slư, quan làng vẫn đang được lưu giữ, trao truyền, tạo nên đời sống văn hoá tinh thần đặc sắc.

1. Tài nguyên du lịch tự nhiên.

a) Hang động, thung lũng, cảnh đẹp.

Văn Quan có đặc điểm của vùng núi đá vôi, có nhiều hang động đẹp, kỳ vĩ, xen lẫn là các thung lũng, đèo dốc với khung cảnh thiên nhiên đa dạng. Đây là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch tại Văn Quan như hệ thống hang Nà Lả - xã Vân Mộng, Ngườm Thẳm - xã Tràng Phái; thung lũng tại thôn Nà Lùng, thôn Bản Só, xã Hữu Lễ với bãi cỏ xanh mướt, có thác nước, khe suối trong mát chảy quanh; đèo Lùng Pa quanh co, uốn lượn.

Với hệ thống hang động, thung lũng như trên có thể đầu tư thành một khu du lịch tổng hợp với nhiều loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, khám phá, mạo hiểm, trải nghiệm... Đỉnh đèo Lùng Pa có thể đầu tư thành điểm dừng nghỉ, mua sắm các sản vật đặc trưng, quà lưu niệm khi du khách đến thăm Văn Quan.

b) Hồ, đập nước.

Văn Quan có hệ thống sông suối khá dày đặc và phân bố khá đồng đều, đặc biệt với địa hình bát úp, các hợp thủy và nhiều thung lũng nhỏ, thì huyện Văn Quan có những hồ nước tự nhiên và đã tiến hành xây dựng được hệ thống các hồ, đập dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và có tiềm năng để xây dựng thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: Hồ Bản Nầng, Đập Bản Quyền, hồ Suối Mơ.

c) Cây công nghiệp.

Cây hồi là cây thế mạnh của huyện Văn Quan. Năm 2017 diện tích hồi đạt 12.527ha, sản lượng hồi tươi đạt 22.000 tấn/năm. Với những đặc trưng về sinh thái và cảnh quan, Văn Quan từ lâu đã là một địa chỉ trồng, thu hoạch và buôn bán hoa hồi nổi tiếng. Từ hoa hồi, ta có thể chế biến thành các sản phẩm như gia vị, dược phẩm có giá trị. Với hương vị thơm ngon đặc biệt, hồi là một thành phần quan trọng trong món phở nổi tiếng của Việt Nam, trong bột ngũ vị huyền thoại của Trung Quốc. Hơn nữa, cây hồi cũng có lịch sử lâu dài được sử dụng trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc, và gần đây hơn, trong sản xuất dược phẩm của thuốc Tamiflu chống cúm và trong mỹ phẩm.

Hiện nay, hồi được phân bố chủ yếu tại các xã Yên Phúc, Bình Phúc, Đại An, Tràng Sơn, Tràng Phái, Tân Đoàn, Vân Mộng... Những cánh rừng hồi bạt ngàn có thể trở thành những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm.

2. Tài nguyên du lịch văn hóa.

a) Di tích lịch sử  - văn hóa.

Di sản do thiên nhiên và lịch sử để lại đó là hệ thống các di tích và danh lam thắng cảnh có giá trị về lịch sử và văn hoá. Hiện nay, toàn huyện có 12 di tích đã được các cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa bao gồm:

- Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri là di tích lịch sử cấp Quốc gia (Theo Quyết định số 2233/1995/QĐ- BVH-TT ngày 06 tháng 6 năm 1995 của Bộ Văn hóa và Thông tin về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia).

- 11 di tích lịch sử - văn hóa (Theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002), gồm các di tích sau:

+ Cầu đá - Bia đá, xã Xuân Mai (Di tích lịch sử).

+ Hang Rộc Mạ, xã Xuân Mai (Di tích lịch sử khảo cổ).

+ Hang Quốc Phòng (Hang Nàng Tiên), xã Vĩnh Lại (Di tích lịch sử).

+ Hang Pác Ả - Kéo Vãng, xã Vĩnh Lại (Di tích khảo cổ).

+ Bãi đất Khum Nặm, xã Bình Phúc (Di tích lịch sử).

+ Đồi Pò Deng, xã Tân Đoàn (Di tích lịch sử).

+ Hang Phja Tạng (Bà Đầm), xã tân Đoàn (Di tích khảo cổ).

+ Lùng Yêm, xã Tân Đoàn (Di tích khảo cổ).

+ Hang Phja Thình, xã Tân Đoàn (Di tích khảo cổ).

+ Hang Bản Háu, xã Tràng Phái (Di tích lịch sử).

+ Hang Ngườm Thẳm, xã Tràng Phái (Di tích khảo cổ).

b) Lễ hội truyền thống.

Văn Quan là địa bàn sinh sống của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa. Trong đó, dân tộc Nùng, Tày chiếm số đông hơn cả. Văn Quan là vùng đất lưu giữ truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có trên 50 lễ hội lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu là lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng. Trong đó phải kể đến một số lễ hội thu hút du khách địa phương và nơi khác như: Lễ hội lồng tồng Tu Đồn - Thị trấn Văn Quan (Ngày Mùng 4 tháng Giêng); Khòn Khẻ - xã Xuân Mai (Ngày Mùng 7 tháng Giêng); Bản Giềng - xã Tú Xuyên (Ngày 13 tháng Giêng) và Hội chợ Ba Xã - xã Tân Đoàn (Ngày 27 tháng 3 âm lịch).

c) Dân ca, dân vũ.

Văn Quan là một vùng đất có nền dân ca rất dân tộc và độc đáo. Đó là các làn điệu sli, then, lượn, quan làng, cỏ lảu… Du khách đến Văn Quan sẽ được thưởng thức những làn điệu sli, lượn, phong slư trong những ngày lễ hội truyền thống, nhưng phiên chợ và hội chợ; các làn điệu then mượt mà và then nghi lễ linh thiêng, huyền bí cùng tiếng tính tẩu, xóc nhạc rộn ràng, điệu múa chầu uyển chuyển; điệu quan làng, cỏ lảu trong những đám cưới, mừng nhà mới…Đây là một trong những tiềm năng có thể khai thác phục vụ cho khách du lịch muốn trải nghiệm, tìm hiểu về truyền thống văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng huyện Văn Quan.    

d) Ẩm thực.

Cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh Lạng Sơn, ở Văn Quan có nhiều món ăn ngon, độc đáo. Du khách đến với Văn Quan sẽ được thưởng thức các món ngon được chế biến từ gạo nếp như các loại xôi: Xôi trám đen, xôi trứng kiến, xôi nhộng ong…; các loại bánh: Bánh ngải, bánh xì tải, khẩu sli… và được thưởng thức món cá lồng, cá sông, suối, thịt lợn quay, khau nhục thơm ngon…

đ) Nhà ở truyền thống.

Hiện nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được trên 2.000 nhà sàn của người Tày và người Nùng, tập trung thành bản với hàng chục nóc nhà tại xã Yên Phúc, xã Hữu Lễ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

e) Nghề truyền thống.

Ở Văn Quan có một số nghề truyền thống như: Nghề làm cao khô, nghề làm bánh khẩu sli, nghề đan lát.

Khi du khách có dịp ghé thăm Văn Quan sẽ được thăm và trải nghiệm một số công đoạn như: Tráng bánh, bó cao khô; giã, rang khẩu sli; chẻ lạt tre, đan một số đồ dùng… rất thú vị.

Nhìn chung Văn Quan có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch, như: hệ sinh thái rừng hồi, hồ, suối, hang động, thung lũng; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, có thể tổ chức được nhiều loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm (Leo núi, khám phá hang động, đi bè tre, thuyền nan, câu cá… trên các hồ, sông, suối…), du lịch trải nghiệm như thu hái hoa hồi, tráng cao khô, bó cao khô…để hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, từ thực trạng phát triển du lịch tại Văn Quan thời gian qua cho thấy, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng có thể nói, du lịch Văn Quan chưa phát triển.

Với tiềm năng và thế mạnh của mình, Văn Quan hoàn toàn có thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Vì vậy, việc quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch tại Văn Quan, sẽ góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu kinh tế của địa phương, sẽ tạo cơ hội gia tăng việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân, góp phần bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, bảo vệ, phát huy các giá trị tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Trong xu thế cạnh tranh quốc tế để thu hút khách du lịch ngày càng gay gắt giữa các quốc gia; cạnh tranh giữa các điểm đến khác trong khu vực các tỉnh lân cận và trên cả nước. Khách du lịch có quyền tự do lựa chọn nhiều phương án du lịch khác thay vì đến với Lạng Sơn nói chung và Văn Quan nói riêng. Phát triển du lịch đồng bộ là thách thức chủ quan lớn nhất của Văn Quan. Thách thức này bao gồm: Làm thế nào để nghiên cứu, đầu tư xây dựng được các sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng nhưng khác biệt trên cơ sở tài nguyên du lịch; giám sát, kiểm soát được chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; cung cấp thông tin và quảng bá du lịch; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và ổn định. Trước những thách thức như vậy, đòi hỏi phải có kế hoạch giải quyết một cách đồng bộ, có hệ thống và hiệu quả:

Thứ nhất: Xây dựng sản phẩm du lịch.

Phát triển sản phẩm du lịch Văn Quan cần phát huy giá trị của cảnh quan tự nhiên, sinh thái, đặc biệt là cảnh quan của hệ thống thung lũng, hồ nước gắn với cuộc sống và sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc Văn Quan. Đồng thời phát huy các giá trị hệ thống di tích lịch sử cách mạng nhằm xây dựng Văn Quan thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo cơ hội cho khách du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh quan, sinh thái, văn hóa đặc sắc và truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của địa phương.

- Với tiềm năng du lịch đa dạng thì du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch khám phá mạo hiểm là định hướng chính trong phát triển sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch đến Văn Quan. Từ tài nguyên du lịch Văn Quan có thể khai thác thành sản phẩm du lịch như sau:

+ Du lịch gắn với văn hóa, lịch sử cách mạng, về nguồn: Tham quan hệ thống di tích lịch sử cách mạng, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa lối sống của các dân tộc, ẩm thực, lễ hội… ở Văn Quan;

+ Du lịch gắn với sinh thái: Khám phá hang động, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch leo núi, đi bộ trong rừng, thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, vui chơi giải trí cuối tuần.

Thứ hai: Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư:

a) Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch.

Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chung của các điểm du lịch quan trọng như hệ thống giao thông, điện, khách sạn, nhà hàng, các tiện nghi phục vụ ăn uống, các tiện nghi vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển và các tiện nghi phục vụ du lịch khác;

Thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hình thức trọn gói với quy mô vừa và nhỏ. Đối tượng được hỗ trợ đầu tư, được ưu tiên là những nơi có tiềm năng phát triển du lịch nhưng khả năng tiếp cận điểm đến còn hạn chế.

b) Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch: Ưu tiên đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, du lịch cuối tuần nhằm thu hút đông đảo khách từ các địa phương khác, đặc biệt Thủ đô Hà Nội.

c) Đầu tư xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Văn Quan: Tập trung đầu tư cho quảng bá điểm đến ở trong nước để tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường, kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch đến với Văn Quan. Đầu tư cho nghiên cứu hình thành thương hiệu du lịch Văn Quan.

d) Đầu tư phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch:

Cần thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên du lịch. Đồng thời phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành trong lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, di sản văn hóa và môi trường để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả trong đó chú trọng đầu tư khôi phục các Lễ hội, đầu tư tôn tạo môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Ngoài ra, du lịch Văn Quan cần phát triển các tài nguyên mới như các khu vui chơi giải trí, thể thao các công trình kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế - xã hội.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

 

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu