Tìm hiểu tín ngưỡng thờ cúng dân gian dân tộc Tày Khu du lịch Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn

08/12/2020 4409 0

Dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn sinh sống thành từng cụm dân cư, thành từng làng, từng bản từ lâu đời. Người dân dựng nhà ở những sườn đồi thoai thoải hoặc những bãi đất,gò đồi ven sông. Đời sống người dân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, trồng lúa nương, trồng ngô khoai sắn. Dân tộc Tày Lạng Sơn nói chung và cư dân Tày vùng núi Mẫu Sơn nói riêng đều có những nét tương đồng về tín ngưỡng lập miếu thờ cúng thổ công, thổ địa. Với quan niệm rằng mỗi vùng đất dù nhỏ bé hay rộng lớn đều có một vị thần cai quản về vạn vật tự nhiên, về sự sống và mọi sinh hoạt của từng gia đình cư trú trên vùng đất đó.Vị thần mà dân làng thờ phụng, tôn làm thần bảo trợ, có thể là thần đất, thần cây, thần đá, thần núi, thần sông. Có vùng dân xây miếu thờ người có công khai phá lập nên làng bản và bảo vệ dân làng, sau khi mất được người dân tôn làm thần, xây miếu thờ thần thành hoàng.

Phục dựng lễ cúng của người Tày cổ trên núi Mẫu Sơn

          Cư dân vùng Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn phần lớn là dân tộc Tày, dân tộc Nùng và dân tộc Dao. Dân tộc Nùng sinh sống chủ yếu ở ba xã Hải Tiến, Cao Lâu, Xuất Lễ. Làng bản người Nùng xưa thường được xây dựng theo hình vành khuyên theo một hệ thống phòng thủ rất chắc chắn. Các ngôi nhà trình tường được xây dựng ở giữa, xung quanh làng có đắp hệ thống tường bao quanh bằng đất nện, hoặc bằng đá xếp. Người Nùng thường sống chung nhiều thế hệ trong một gia đình.Người Nùng có làn điệu hát sli Sloong hàu lưu truyền đến ngày nay. Dân tộc Dao sinh sống ở những sườn núi cao thuộc xã Mẫu Sơn, xã Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Dân tộc Dao vùng Mẫu Sơn đến nay vẫn giữ được những phong tục tập quán truyền thống về trang phục, nếp sống và có tín ngưỡng thờ cúng riêng biệt, thể hiện tính tín ngưỡng cộng đồng cao là miếu thờ thần trên đỉnh núi Phặt Chỉ cùng với những nghi thức lễ độc đáo của người Dao.

          Dân tộc Tày sinh sống ở địa bàn thấp dưới chân núi, sườn đồi, ven đường giao thông thuộc xã Gia Cát huyện Cao Lộc và các xã Xuân Lễ, Bằng Khánh, Xuân Mãn, Hữu Khánh, Yên Khoái. Đời sống kinh tế cư dân Tày tương đối ổn định.Người Tày dễ tiếp thu và hòa nhập với văn hóa cộng đồng. Người Tày rất ít khi mặc quần áo dân tộc, nếu có chỉ còn những người già từ 70 tuổi trở lên còn giữ được những bộ quần áo ngày xưa, chỉ mặc vào những ngày cưới, ngày lễ hội.

          Dân tộc Tày vùng Mẫu Sơn là cư dân bản địa, Có những dòng họ sinh sống từ rất lâu đời, như các dòng họ Hà, họ Vi, họ Nông, họ Hoàng. Nhà ở xưa được xây dựng bằng bùn đất đỏ đóng khuôn tường dày từ 60- 80 cm còn gọi là nhà trình tường. Tường nhà được đóng kiến trúc theo kiểu pháo đài, Cửa chính được đóng thành hai lớp, lớp ngoài bằng gỗ chắc dày, có then ngang ốp xuống, lớp cửa trong bằng trấn song gỗ tròn to chắc chắn. Gian ngoài hai bên là gường ngủ, chính giữa là nơi tiếp khách, phía trên tường được đóng thành khuôn lui sâu khoảng 1m làm ban thờ tổ tiên. Gian trong một bên là bếp, một bên là phòng ngủ. Trần nhà làm bằng đất trộn rơm, cốt là thanh tre già có tác dụng phòng cháy rất tốt.Mái nhà lợp ngói âm dương. Nhà trình tường có tác dụng phòng vệ, chống trả được người ngoài xâm nhập. Ấm vào mùa đông, mát lạnh vào mùa hè. Kiến trúc nhà trình tường cũng là một nét đặc trưng của người dân vùng biên ải, ngày nay nhà trình tường đã bị mai một dần, thay thế bằng nhà xây gạch ngói hoặc nhà cao tầng. Ở xã Gia Cát huyện Cao Lộc chỉ còn 5 ngôi nhà trình tường cổ còn giữ được. Riêng ở xã Yên Khoái người dân vẫn ở còn đến 30% ngôi nhà trình tường. Kiến trúc nhà trình tường, làng xây dựng hình vành khuyên khu vực vùng Mẫu Sơn cần đưa vào những tua du lịch.

          Về tín ngưỡng, dân tộc Tày vùng Mẫu Sơn mang đậm tín ngưỡng dân gian bản địa, ngoài tục thờ cúng tổ tiên trong nhà, người dân xã Gia Cát huyện Cao Lộc còn lập chùa thờ Phật tại chùa Bắc Nga có tên chữ là "Tiên Nga Tự".Theo truyền thuyết Chùa Tiên Nga trước vốn thờ thần tiên sau rước Phật vào thờ. Ở hậu cung còn có phiến đá khắc chữ thập nhị Tiên Nga. Chùa Bắc Nga nổi tiếng với lễ hội du xuân ngày 15 tháng giêng, thu hút hàng vạn người đến chùa cầu an và thưởng thức đặc sản lợn quay, mía mềm vùng Gia Cát.

          Từng thôn bản, người Tày còn lập miếu thờ các vị thần linh, tiếng Tày gọi là Thó tỳ. Tại Viện Nghiên cứu Hán nôm hiện còn tư liệu lưu trữ sách viết về "Tục lệ và xã chí" của hai xã Hữu Khánh và Yên Khoái trước năm 1920, cuốn sách đã phản ánh chân thực về bản sắc, tín ngưỡng phong tục tập quán của cư dân thời kỳ đó. Trước kia điều đầu tiên trong phong tục tập quán là tế lễ thần linh. Thần linh ở đây là thần núi, thần cây, thần đá, thần nông được người dân xây miếu thờ và tế lễ vào những dịp đầu năm, cuối năm.

          Đến nay khi đi qua những bản Lìm, Sa Kao, Nà Bó, Pò Cại ở xã Gia Cát huyện Cao lộc. Bản Lầy, Phiêng Phúc xã Xuân lễ; Bản Tẳng, Nà Ngần, Kéo Mật, Pò Thó, Pò Lục, Khòn Khoang thuộc xã Bằng khánh; Bản Khoai, Pác Tẳng, Pác Mạ, Nà Quân, Nà Phát xã Yên khoái... chúng ta còn thấy thấp thoáng Miếu thờ thổ công ở đầu thôn bản. Ở vùng núi thôn Nặm Pịa xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình hiện nay còn dấu tích ngôi đền cổ thờ thần núi và nhân thần. Ngôi đền cổ này theo đánh giá của nhà sử học giáo sư Trần quốc Vượng: đây là ngôi đền của người Tày cổ vào khoảng thế kỷ X. Trải qua nhiều thế kỷ, sự thay đổi của môi trường, lịch sử xã hội...đến thế kỷ XIX người dân lập miếu mời các vị thần trên đền cổ về thờ ở bản Khoai xã Yên khoái .

          Miếu thờ thần linh thổ công thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, lưng tựa núi, miếu ẩn mình dưới gốc cây đa, cây si, cây gạo hoặc những cây cổ thụ. Hướng miếu thường nhìn ra ngã ba đường, sông suối, hoặc ở nơi đầu bản , nhìn ra nơi con người qua lại. Miếu dựng đơn giản chỉ bằng bốn cột gỗ, lợp mái tranh, hoặc lợp ngói âm dương, Bên trong miếu kê tấm ván, hoặc một tảng đá phẳng trên đặt bát hương. Miếu được dán giấy đỏ trong ban thờ và ngoài cửa. Những làng bản đông dân cư, miếu thờ được xây cất cẩn thận bằng trình tường, gạch, lợp ngói. Hàng năm tuần tự vào dịp lễ tết được quy định như mùng 15 tháng giêng; 2 tháng 2 âm lịch; mùng 3 tháng 3; mùng 5 tháng năm; mùng 6 tháng 6; 15 tháng 7; 15 tháng 8; mùng 6 tháng 10 và 23 tháng chạp người dân lên miếu làm lễ cúng thổ công. Nhất là ngày 2 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày cúng thần linh thổ công, các gia đình đều sắm lễ lên miếu cúng thần. Đồ lễ thường là con gà luộc, chai rượu trắng, bánh chưng, thịt lợn luộc, các loại rau sào... người đến trước kẻ đến sau, thầy mo làm lễ khấn trình thần linh với ước nguyện cầu xin thần linh bảo trợ, phù hộ cho một năm mới gia đình, làng xóm, người người từ con trẻ đến người già được khỏe mạnh, cửa nhà bình an. Gia đình chăn nuôi lợn gà, trâu bò ... được mau lớn, sinh sôi đầy đàn. Lúa ngô khoai sắn... mùa nối vụ bội thu, cuộc sống no đủ hạnh phúc. Khấn lễ xong với một niền tin tưởng thần linh đã chấp nhận lời thỉnh cầu của mình, mọi người bưng lễ ra trước miếu, cùng nhau uống rượu, thụ lộc vui vẻ.

          Xây chùa thờ Phật, lập đền, miếu thờ thổ công thần linh là một nét đẹp mang tính nhân văn trong phong tục tập quán của người Tày vùng núi Mẫu sơn.

          Tín ngưỡng thờ thổ công thần linh mang tính trách nhiệm, cộng đồng cao của người dân thôn bản trong những nghi thức ngày lễ tết.

          Mỗi ngôi miếu ở từng thôn bản đều có những giai thoại, truyền thuyết mang dấu ấn, lịch sử nguồn gốc về những vị thần được dân làng tôn vinh lập miếu thờ. Tìm hiểu được nguồn gốc của từng vị thần được thờ trong từng ngôi miếu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hình thành địa bàn cư dân, dân tộc.

          Hơn nữa từ xưa tới nay, trong đời sống con người luôn luôn gặp những khó khăn về thiên tai dịch họa trong lao động sản xuất, những nỗi đau vì bệnh tật và những điều ngang trái mà con người ta không tự giải quyết được, người dân thường lên miếu lễ, khẩn cầu các vị thần linh giải thoát phù trợ cho tai qua nạn khỏi, mọi sự được bình an. Điều này tuy là không tưởng âu cũng là con người có niềm tin ngoài cõi hư vô.

          Hệ thống tín ngưỡng chùa, đền cổ, miếu thờ thổ công của dân tộc Tày vùng núi Mẫu sơn rất có giá trị để các nhà khoa học nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc. Là một hệ thống tín ngưỡng thờ Phật, thờ Thần để các du khách có niềm tin, có tâm linh đến thăm quan, hành lễ. Để có một tua du lịch tín ngưỡng cần phải nghiên cứu, lập hệ thống danh sách, lịch sử nguồn gốc của từng ngôi miếu trong từng thôn bản giới thiệu với khách du lịch vùng núi Mẫu Sơn.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu