Tìm hiểu về Tết Đoan Ngọ của người Tày, Nùng Lạng Sơn

03/06/2022 1792 0

Tết Đoan ngọ của người Tày và Nùng được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đây là một lễ tết gắn với tín ngưỡng nông nghiệp, là thời gian sinh trưởng của cây lúa, là lúc cây trái như lê, nhãn đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Tết được tổ chức với mục đích là tiêu diệt sâu bọ, côn trùng có hại (châu chấu, rầy nâu, sâu đục thân…) nhằm bảo vệ mùa màng, đồng thời trừ khử những con vật sống ký sinh trên cơ thể con người và vật nuôi (chấy, rận, giun, sán…).

Bánh Gio món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ

Mỗi gia đình sẽ tự lo lễ vật cúng riêng cho gia đình mình. Trước tết từ 1-2 tháng, những người đàn ông đã chuẩn bị nấu một mẻ rượu nếp để cất phục vụ ngày tết. Trong đời sống hàng ngày và các nghi lễ lớn, người Tày và Nùng tỉnh Lạng Sơn chủ yếu uống rượu làm từ gạo tẻ, riêng tết Đoan ngọ mới uống rượu nếp. Gạo nếp dùng để nấu có tên Tày, Nùng là “khảu nu mù”, loại nếp này hạt to, khi đồ chín mùi thơm và ăn rất dẻo. Rượu nếp uống không nặng như rượu tẻ, vị dịu và rất tốt cho sức khỏe. Trước tết khoảng 15-20 ngày, những người đàn bà trong gia đình thường tất bật lo chuẩn bị gạo nếp, lên đồi đốt gio và tìm lá “toong hà mồ” (một loại lá dùng để gói bánh gio) về làm bánh. Do gạo nếp dùng làm bánh được ngâm với nước than cây gio, gói bằng lá “toong hà mồ” nên bánh chín có màu nâu đất, vị thanh, ăn vào rất mát, tốt cho sức khỏe. Trong những ngày này, ngoài nấu rượu và làm bánh gio, đồng bào còn lên rừng tìm hái mận hoang về cho gia đình ăn, với quan niệm ăn mận vào dịp tết Đoan Ngọ sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi được chứng đau đầu trong mùa hè đang tới.

Rượu nếp 

Sau khi chuẩn bị xong tất cả lễ vật, người đàn ông (thường là chủ gia đình) sẽ bày lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Đồng bào tin rằng, dâng cúng lễ vật lên bàn thờ tổ tiên vừa để tỏ lòng hiếu kính, vừa cầu mong tổ tiên sẽ phù hộ cho cả gia đình mạnh khỏe, tránh khỏi bệnh tật do mùa hè đem lại. Cùng với đó, đồng bào còn cầu mong tổ tiên sẽ phù hộ cho cây cối tốt tươi, sâu bệnh không phá hoại, mùa màng bội thu; gia súc, gia cầm mau ăn chóng lớn, không bị dịch bệnh đe dọa… Sau khi cúng tổ tiên xong, cả gia đình sẽ ngồi quây quần bên mâm cơm, cùng ăn mận, ăn bánh và uống rượu trong không khí vừa trang nghiêm vừa đầm ấm bên gia đình.

Tết Đoan Ngọ của người Tày Nùng cho đến nay vẫn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Tết ngoài ý nghĩa là một tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, còn là dịp để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên; để các thành viên trong gia đình có dịp ngồi bên nhau bên mâm cỗ cộng cảm, để những người con xa quê có dịp trở về thăm gia đình, bản quán; để những người Tày và Nùng thực hành những phong tục tập quán, những nghi lễ tín ngưỡng đã được cha ông truyền lại từ ngàn đời… Như vậy, ngoài ý nghĩa về mặt tín ngưỡng, tết Đoan Ngọ còn mang trong mình lá trị lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Tày và Nùng.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ hiện nay, tất cả những người Tày và Nùng tỉnh Lạng Sơn vẫn rất hào hứng và quan tâm đến ngày tết Đoan Ngọ, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của tết Đoan Ngọ vẫn được đồng bào lưu giữ. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đời sống của người Tày và Nùng tỉnh Lạng Sơn đang biến đổi một cách nhanh chóng trên tất cả các mặt. Nhiều luồng văn hóa đang từng ngày tác động đến từng ngõ ngách của các bản còn Tày và Nùng. Nhưng với tảng nền vững chắc của một nền văn hóa có lịch sử hàng nghìn năm, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn không hề bị mai một, mà ngược lại những giá trị văn hóa ấy đang góp phần vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa trong thời đại mới. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc trong bối cảnh nông thôn mới hiện nay.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu