Xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch Lạng Sơn

17/08/2021 1040 0

Sản phẩm du lịch là sản phẩm đặc thù, riêng biệt, mang đậm phong cách của từng địa phương. Xây dựng sản phẩm du lịch là chiến lược cần được chú trọng, quan tâm để đưa du lịch phát triển toàn diện.Đối với Lạng Sơn, sản phẩm du lịch hiện nay chưa thực sự tạo cho mình một con đường riêng, chưa khẳng định được vị trí của du lịch tỉnh nhà trong xu thế hội nhập hiện nay. Trên thực tế, sản phẩm du lịch Lạng Sơn vẫn chưa có được lợi thế cạnh tranh mang tính chuyên nghiệp. Số lượng khách du lịch hằng năm có tăng nhưng chưa nhiều, số ngày lưu trú, tổng lượng chỉ tiêu cho dịch vụ du lịch còn thấp. Đặc biệt là sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp về dịch vụ, hàng hóa, các chương trình du lịch (tour) còn thiếu hấp dẫn. Hầu hết du khách đến với du lịch Lạng Sơn chỉ quen với một sản phẩm duy nhất là tham quan Khu du lịch Mẫu Sơn, tham quan hệ thống đình đền chùa trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận như Cao Lộc, Văn Lãng, Hữu Lũng vào dịp đầu năm hoặc cuối năm, hoặc du lịch cộng đồng ngắn ngày tại Bắc Sơn, Hữu Lũng, Bình Gia, ... Vì vậy, du khách đến với Lạng Sơn thường không lưu trú dài, không tiêu dùng dịch vụ bổ sung và nhanh chóng di chuyển đến các tỉnh khác theo lộ trình.

Để sản phẩm du lịch Lạng Sơn có khả năng cạnh tranh với du lịch của các vùng miền khác, có khả năng thu hút khách đến và lưu khách lại lâu hơn, du lịch Lạng Sơn phải thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Trong thời gian tới, du lịch Lạng Sơn cần có sản phẩm mang tính đặc thù, phân biệt với các sản phẩm của các địa phương khác trong vùng; trong các chương trình hợp tác cần phải dựa trên cơ sở cùng thống nhất theo chuỗi liên kết đã tính đến đặc trưng tài nguyên và lợi thế của từng địa phương. Cụ thể là:

- Sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng: Các hoạt động tham quan du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng ở Lạng Sơn tập trung chủ yếu ở Khu di tích lịch sử Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Khu di tích chiến thắng Đường 4 …

Zalo

Đoàn du lịch về nguồn kỷ niệm 70 năm chiến thắng biên giới ( 1950 - 2020)

- Sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh - lễ hội: Thời gian vừa qua, du lịch văn hóa - tâm linh luôn là điểm nhấn, thu hút khách du lịch (đặc biệt là khách nội địa) đến Lạng Sơn và luôn chiếm tỷ trọng lớn. Ước tính khoảng 70% lượng khách đến Lạng Sơn đi theo các loại hình du lịch văn hóa - tâm linh. Lạng Sơn có hơn 335 địa danh, danh thắng, di tích lịch sử và hơn 300 lễ hội; trong đó nhiều điểm có thể khai thác du lịch văn hóa - tâm linh. Đầu tư cho du lịch văn hóa - tâm linh ngày càng được đẩy mạnh ở quy mô, tính chất hoạt động, tiêu biểu như: đền Bắc Lệ, đền Mẫu, khu danh thắng Động Nhị - Tam Thanh, chùa Thành, chùa Tân Thanh, đền Kỳ Cùng... Tuy nhiên, loại hình du lịch này thường theo mùa vụ, nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch tương đối thấp.

Zalo

Khách du lịch thăm quan chùa Tam Thanh

- Sản phẩm du lịch biên giới, cửa khẩu kết hợp mua sắm: Hoạt động du lịch tham quan, mua sắm phát triển khá sôi động ở Lạng Sơn, đặc biệt là ở cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng, Tân Thanh, chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa…, thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc và khách nội địa. Tuy nhiên, loại hình du lịch này chưa thu hút được nhiều hãng lữ hành của Việt Nam và Trung Quốc tham gia.

Zalo

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

- Sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng: Những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng homestay phát huy hiệu quả, giúp người dân chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Hiện nay, có 2 mô hình du lịch cộng đồng homestay khá thành công ở các xã: Bắc Quỳnh, Vũ Lăng (huyện Bắc Sơn) và Hữu Liên (huyện Hữu Lũng), xã Mông Ân (huyện Bình Gia). Mô hình du lịch cộng đồng homestay đã và đang được nhân rộng, phát triển tại một số địa bàn khác trong tỉnh đã dưới sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các địa phương.

Zalo

Khách du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp cùng người dân xã Hữu Liên huyện Hữu Lũng

- Sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng: Lạng Sơn có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái như khu rừng đặc dụng Hữu Liên, Khu bảo tồn Bắc Sơn, Khu du lịch Mẫu Sơn… Ngoài ra, thảo nguyên Khau Sao (thuộc thôn Suối Mạ A, xã Hữu Kiên, Chi Lăng) là một trong những thảo nguyên còn hoang sơ và đẹp nhất cả nước, nơi được mệnh danh là Vương quốc ngựa bạch với đàn ngựa 1.700 con, trong đó có hơn 700 con ngựa bạch thuần chủng, khu thắng cảnh Đồng Lâm, Hữu Liên, Hữu Lũng, Thung lũng Bắc Sơn… Mặc dù sở hữu nhiều tài nguyên du lịch sinh thái có sức hấp dẫn, nhưng loại hình du lich này hiện mới thu hút được một vài doanh nghiệp khai thác du lịch với quy mô hạn chế và không thường xuyên.

Zalo

Khu du lịch Mẫu Sơn

- Sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn: Trong những năm gần đây, du lịch gắn với các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đang trở thành hướng phát triển du lịch mới của tỉnh Lạng Sơn, bước đầu đã có những thành công nhất định. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp, gây dựng được thương hiệu cho du lịch nông nghiệp. Ngày hội Na Chi Lăng; Hội thi hồng Vành Khuyên huyện Văn Lãng; Hội thi hồng không hạt Bảo Lâm…, đã tạo nhiều ấn tượng về Lạng Sơn đối với khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn còn nhiều sản phẩm từ các làng nghề khác có thể kết hợp một cách sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: quýt Bắc Sơn, cao khô Vạn Linh, hoa hồi Văn Quan, bánh khảo Tràng Định...

Zalo

Du khách trải nghiệm thăm quan rừng hồi

Ngoài ra tỉnh còn có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển loại hình sản phẩm du lịch leo núi thể thao mạo hiểm, chơi golf, dù lượn, cắm trại, trekking ở các khu vực Mẫu Sơn, Khau Sao, Bắc Sơn, Yên Thịnh...

Zalo

Leo núi mạo hiểm tại xã Yên Thịnh huyện Hữu Lũng

Nhìn chung, các sản phẩm du lịch Lạng Sơn chưa được quy hoạch, định hướng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao, nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít,... Những vấn đề trên là nguyên nhân làm giảm giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, làm giảm chất lượng các chương trình du lịch.

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch trên, Lạng Sơn cũng cần chú trọng đến việc tạo tiền đề cho việc hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh là du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái gắn với Khu du lịch Mẫu Sơn và du lịch văn hóa - tâm linh gắn với hệ thống đền chùa từ huyện Hữu Lũng - TP Lạng Sơn - huyện Cao Lộc - huyện Văn Lãng. Lạng Sơn cũng đã hình thành và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch và tạo sự khác biệt với các tỉnh lân cận như du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần… mang lại hiệu quả đầu tư du lịch, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu