Đền Quan Giám Sát nằm ở thôn Việt Thắng, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, cách thị trấn Hữu Lũng 14km về hướng đông nam.
Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX trên vị trí nền đất cao của thôn Việt Thắng. Kiến trúc Đền lúc đầu có kiểu kiến trúc chữ Nhất, làm bằng gỗ, mái lợp bằng cỏ gianh. Sau này Đền phát triển thêm và có kiến trúc kiểu chữ Nhị với diện tích nhỏ gồm hai gian (Tiền Tế và Hậu Cung), tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói âm dương; gian Hậu Cung thờ bóng vị Quan Giám Sát, có ngai thờ và bài vị bằng đồng (ghi tên húy của Ngài). Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay Đền có kiến trúc chữ Tam, gồm các gian: Tiền Tế, Đại Bái, Hậu Cung. Tại đền Quan Giám Sát còn lưu giữ được 4 bản sắc phong do các triều vua trước đây phong tặng, bản sớm nhất được phong tặng vào thời nhà Lê (thế kỷ XVIII), bản muộn nhất được phong tặng vào thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX) cùng nhiều đồ thờ tự, đồ trang trí khác có giá trị như: Hoành phi, câu đối, chuông đồng cổ (6 chiếc), khánh đồng...
Đền Quan Giám Sát là một di tích có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của du khách thập phương và nhân dân trong vùng.