Công tác Quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch Lạng Sơn và Kết nối du lịch với tỉnh bạn

25/11/2020 1275 0

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, có 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu chính và các cửa khẩu phụ. Hệ thống giao thông của Lạng Sơn khá thuận lợi với quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận Quốc tế chạy qua; Lạng Sơn đ­­ược thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử văn hoá, trong đó có những di tích danh thắng đã đi vào thi ca và lòng người từ lâu như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị, ải Chi Lăng…

Theo thống kê Lạng Sơn có trên 52 danh lam thắng cảnh, trên 160 điểm di tích lịch sử văn hoá và hơn 400 điểm di tích lịch sử cách mạng, trong đó có nhiều điểm đã được xếp hạng di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và quy hoạch khoanh vùng để quản lý bảo vệ. Dân số Lạng Sơn hơn 74 vạn người với 7 dân tộc chính trong đó dân tộc Nùng chiếm 43,9%, Tày 35,5%, Kinh 15,3%. Mỗi dân tộc đều chứa đựng những nét văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt mang đặc trưng riêng của vùng quê Xứ Lạng như lễ hội truyền thống đặc sắc, lễ cưới hỏi, các ngày lễ tết, văn hóa ẩm thực, trang phục dân tộc... Có khoảng 248 loại hình văn hoá nghệ thuật, bao gồm những áng ca dao, những làn điệu dân ca, then, hát sli, hát lượn say đắm lòng người.

Yếu tố địa hình và khí hậu là một yếu tố quan trọng, Lạng Sơn được thiên nhiên ưu đãi những vùng núi có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển với độ dốc lớn, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như khu du lịch Mẫu Sơn, Chóp Chài… Sản vật Xứ Lạng rất phong phú và độc đáo như hoa Hồi, mác Mật, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn. Văn hóa ẩm thực Lạng Sơn nổi tiếng từ lâu Vịt quay, Lợn quay, Khau nhục, Phở chua…được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam. 

Du lịch sinh thái Suối Mỏ Mắm huyện Bắc Sơn

Trong những năm gần đây tỉnh Lạng Sơn đã tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, Ban Ngành Trung ương, các tỉnh bạn và các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, các khu kinh tế… do đó đã trở thành một trong những trung tâm giao l­ưu buôn bán sôi động của khu vực phía bắc và của cả n­ước. Đặc biệt thời gian gần đây các hệ thống trung tâm thương mại, các khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới đ­ược xây dựng và nâng cấp nên việc giao lưu buôn bán và tham quan du lịch diễn ra sôi động, đã tác động tích cực và thúc đẩy nền kinh tế xã hội của Lạng Sơn ngày càng phát triển khởi sắc hơn. Cùng với sự nổi trội về hệ thống thương mại dịch vụ, lĩnh vực du lịch ngày càng được tỉnh quan tâm đầu tư khai thác phát triển.

Từ những thực tế về tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, trong những năm qua Lạng Sơn đã chú trọng quảng bá xúc tiến, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết với các địa phương, với vùng và hướng tới liên kết với quốc tế. Những kết quả đạt được như sau:

- Liên kết trong xúc tiến quáng bá, tham gia sự kiện trong và nước

Trong nước: Tham gia xúc tiến quảng bá du lịch hơn 70 cuộc tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các sự kiện như: Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VTTM tại Hà Nội, Hội chợ du lịch biển Đà Nẵng và khảo sát du lịch tại các tỉnh: Thái Nguyên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh Bắc trung bộ, đồng bằng Sông Hồng, 6 tỉnh Việt Bắc… Trong đó trung bình mỗi cuộc tham gia gian hàng trưng bầy triển lãm đã giới thiệu và phát hành khoảng 1.300 ấn phẩm du lịch các loại đến tay khách du lịch, tạo điều kiện liên kết xây dựng sản phẩm du lịch vùng.

Ngoài nước: Tổ chức gian triển lãm du lịch theo chương trình của Tổng cục Du lịch tại Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc), phối hợp tham gia các sự kiện giao lưu, liên kết hợp tác phát triển du lịch tại Bằng Tường, Nam Ninh…  Thành lập đoàn tổ chức khảo sát, làm việc với Ủy ban phát triển du lịch thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) về đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xây dựng và phát triển du lịch biên giới; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức các đoàn khách du lịch tự lái xe ô tô, mô tô, xe đạp.

- Liên kết tổ chức sự kiện du lịch:

+ Tổ chức ký kết và triển khai thực hiện biên bản hợp tác phát triển du lịch trong đó có nội dung liên kết quảng bá website với các tỉnh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh…

+ Liên kết tổ chức sự kiện du lịch luân phiên: “Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” với các tỉnh : Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang;

+ Liên kết quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm du lịch tour, tuyến với Hà Nội, Bắc Giang:

- Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng

+ Xây dựng tuyến du lịch tâm linh: Hà Nội - Đền Đô (Bắc Ninh) - chùa Vĩnh Nghiêm (B.Giang) - đền Bắc Lệ (L. Sơn) - Đền Mẫu (Đồng Đăng).

+ Xây dựng tuyến du lịch sinh thái cộng đồng, dã ngoại và khám phá:

Tuyến 1 gồm Hà Nội - Khe Rỗ - Hồ Khuôn Thần (B.Giang) - Làng nghề Thị trấn Chũ (Lục Nam, B.Giang) - Khu du lịch Mẫu Sơn (L.Sơn);

Tuyến 2 Hà Nội - Làng gốm Bát Tràng - Làng nghề bánh đa Dĩnh Kế - Làng nghề mì Thủ Dương (B.Giang) - Làng VHDL cộng đồng Quỳnh Sơn (H.Bắc Sơn, L.Sơn)

+ Liên kết xây dựng sản phẩm ấn phẩm quảng bá: bản đồ chung giữa ba địa phương: Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Giang

+ Liên kết quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch đặc trung vùng Tây Bắc: giới thiệu 02 sản phẩm du lịch đặc trưng và có tính mới của tỉnh Lạng Sơn là Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn và sản phẩm Du lịch tâm linh; Tham gia trưng bày giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm liên kết du lịch đặc trưng của tỉnh. Các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Tây Bắc đã được định hướng phát triển, đó là: Du lịch mạo hiểm, Du lịch về nguồn, Du lịch sinh thái nông nghiệp.

+ Tham gia khảo sát, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia Việt - Trung do Tổng Cục du lịch tổ chức vào ngày 6/8/2018 tại tỉnh Cao Bằng.

+ Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia xây dựng, quảng bá một số sản phẩm phục vụ phát triển du lịch như: các sản phẩm từ hoa hồi và chế phẩm từ hoa hồi; các sản phẩm nông nghiệp như: na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm... được khách du lịch đánh giá cao.

Những hợp tác tích cực trong việc liên kết, kết nối du lịch với các tỉnh bạn trong khu vực đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tích cực trao đổi công tác quản lý đối với các hoạt động du lịch, trong đó chú trọng việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; hợp tác trao đổi cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực du lịch nhằm thu hút các dự án đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đẩy mạnh sự liên kết quảng bá các sản phẩm du lịch, điểm đến và tổ chức tiếp thị thị trường trong và ngoài nước.

Hợp tác tuyên truyền quảng bá liên kết vùng trong việc xây dựng ấn phẩm quảng cáo chung; liên kết website tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu dự án đầu tư, trao đổi thông tin, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương; xây dựng, kết nối các điểm du lịch, khu du lịch tạo thành các tou tuyến du lịch đặc thù; hợp tác phát triển và nâng cao các loại hình dịch vụ như ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… phục vụ khách du lịch.

Bước đầu xây dựng môi trường kinh doanh du lịch có chất lượng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phục vụ khách du lịch tại mỗi địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi và quan trọng giúp Lạng Sơn trong việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn.

Tuy nhiên, về phía chủ quan, việc phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những khó khăn như trình độ, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; các hoạt động liên quan đến du lịch chỉ chú trọng khai thác thiên nhiên và những di sản sẵn có, hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu quy hoạch, đầu tư; chất lượng dịch vụ và quản lý còn nhiều hạn chế, thiếu tính liên kết, hợp tác, sản phẩm Du lịch còn trùng lặp, đơn điệu, chưa có thương hiệu mạnh; công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch còn tự phát… Bên cạnh đó, Lạng Sơn chưa xây dựng được những tour du lịch mang bản sắc riêng của địa phương nên việc thu hút khách còn gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động liên kết phát triển du lịch; đẩy mạnh hợp tác trong việc đầu tư xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh chưa được quan tâm sâu sát. Các đơn vị chưa xây dựng các chương trình, tuyến du lịch mang những nét đặc trưng riêng của mình để giới thiệu đến du khách.

Lạng Sơn được đánh giá là một trong những điểm du lịch an toàn của cả nước luôn có sự ổn định và cân bằng về hệ sinh thái, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không có hiện tượng quấy nhiễu du khách, không xẩy ra nạn cướp giật, cảnh quan môi trường trong sạch thoáng đãng. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng sản phẩm du lịch liên kết, tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng phát huy những kết quả đạt được từ sự hợp tác với các tỉnh bạn, với Quảng Tây Trung Quốc. Đặc biệt là tiếp tục liên kết và hợp tác với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh… để cùng thúc đẩy tạo cơ hội mới cho du lịch phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Với việc tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, ngành du lịch Lạng Sơn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn; thu hút nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để biến những tiềm năng thành hiện thực, tin tưởng rằng sẽ tạo được sự bứt phá đi lên trong những năm tới.

Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định du lịch dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng trong tương lai, góp phần bảo tồn và khai thác phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, đánh thức những tiềm năng du lịch phong phú của tỉnh, tạo công ăn việc làm bền vững cho đội ngũ nhân lực địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Với định hướng đó, du lịch Lạng Sơn tiếp tục phát huy những tour du lịch truyền thống, nội tỉnh và liên tỉnh, trong đó đặc biệt là chú trọng phát huy thế mạnh về loại hình du lịch như: du lịch mua sắm tại các khu cửa khẩu và trung tâm thành phố Lạng Sơn; du lịch cửa khẩu biên giới và đi vào nội địa Trung Quốc; du lịch tâm linh, du lịch hang động, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái… Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết khảo sát và xây dựng các tour, tuyến du lịch mới trong đó tập trung những tour tuyến nhằm khai thác nguồn khách đầy tiềm năng từ các tỉnh, thành phố lớn của đất nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực phía Bắc, thị trường khách Trung Quốc. Đẩy mạnh phát triển các điểm du lịch mang ý nghĩa quốc gia như: động Nhất, Nhị, Tam Thanh, Chợ Kỳ Lừa, núi Phai Vệ, Thành cổ Lạng Sơn, chợ Đông Kinh, núi Mẫu Sơn...

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu