Khai thác giá trị của ngành nông nghiệp trong định hướng phát triển du lịch tại tỉnh Lạng Sơn

06/07/2022 727 0

Du lịch nông nghiệp là mô hình được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch. Dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích. Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.

Du khách trải nghiệm hái Nho tại vườn

Tại Việt Nam, trên cơ sở đánh giá đúng vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Theo đó, hiện Du lịch nông nghiệp ở nước ta đã được phát triển trên mọi miền đất nước, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông ngiệp của vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam.

Trong xu thế phát triển du lịch nông nghiệp chung của cả nước. Những năm gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp của tỉnh phát triển dựa trên điều kiện tự nhiên sẵn có, từ đó tạo mối liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sự tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của địa phương. Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch không thể thiếu trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp nông thôn ra đời tại các địa phương trong tỉnh như du lịch vườn quýt tại huyện Bắc Sơn, trải nghiệm các vườn trái cây tại thành phố Lạng Sơn, Trải nghiệm hái na tại huyện Chi Lăng, du lịch vườn cây ăn quả tại huyện Hữu Lũng, cánh đồng hoa hướng dương, du lịch đồi chè tại huyện Đình Lập... Những mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp thời gian qua đã cho thấy tiềm năng phát triển của loại hình này ở Lạng Sơn. Từ định hướng của tỉnh, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình du lịch gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương

Đặc biệt, ngay sau Lễ ký kết “Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025” giữa  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, trang trại nông nghiệp làm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đồng thời hhỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch để thu hút và tăng doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố. Triển khai xây dựng, đánh giá và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cộng đồng trên cơ sở chu trình đánh giá, xây dựng sản phẩm OCOP. Để hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường giao thông, viễn thông đến các vùng, địa phương.  Cùng với đó đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thu hút du khách đến tham quan; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ khách du lịch.

Các mô hình Du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn… Đó được xem như là những tín hiệu tích cực bước đầu khi triển khai phát triển Du lịch nông nghiệp ở Lạng Sơn, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện phần lớn hoạt động Du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Người nông dân vẫn chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm và không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch. Sản phẩm Du lịch nông nghiệp chất lượng cao tại nhiều địa phương để phục vụ du khách chưa nhiều. Đặc biệt, sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động Du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Việc liên kết phát triển Du lịch nông nghiệp  giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh chưa được triển khai hiệu quả. Nhiều điểm Du lịch nông nghiệp  gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…

Có thể thấy, Du lịch nông nghiệp ở Lạng Sơn đang dần trở thành một xu hướng mới, một “món ăn lạ” bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, khám phá... Cùng với đó, hoạt động du lịch gắn với tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của con người về bảo vệ thiên nhiên, môi trường và trải nghiệm cuộc sống gắn bó với tự nhiên, với sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những địa bàn nông thôn thuần túy gắn với bản sắc văn hóa bản địa ngày càng trở nên hấp dẫn do vậy, Du lịch nông nghiệp được dự báo sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ và có thêm nhiều động lực phát triển trong thời gian tới, mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa. Nó không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy trong thời gian tới, để phát triển mô hình du lịch  gắn với sản xuất nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, lâu dài, khai thác hết tiềm năng của địa phương, ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về những lợi ích thiết thực từ việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương. Có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp. Thực hiện quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc duy trì, mở rộng, nâng cấp cơ sở, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch...

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu