Ý nghĩa của di tích Tứ trấn thành Lạng Sơn trong việc phát triển kinh tế du lịch của thành phố Lạng Sơn

25/11/2020 2110 0

Lạng Sơn - vùng biên cương nơi địa đầu của Tổ quốc, là dải đất vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt. Vùng đất này là cửa ngõ trọng yếu phía Bắc, giáp với tỉnh Cao Bằng ở phía Bắc, giáp với Trung Quốc ở phía Đông Bắc, giáp Quảng Ninh ở phía Đông Nam, giáp Bắc Giang ở phía Nam và Bắc Kạn ở phía Tây. Xứ Lạng không chỉ nổi danh với nhiều cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, nhiều di tích lịch sử giá trị mà còn ẩn chứa những sắc màu văn hóa độc đáo hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khai thác phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xứ Lạng từ lâu vốn nổi tiếng là mảnh đất địa linh, nhân kiệt với bao trầm tích văn hóa theo suốt chiều dài lịch sử, ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc của tiền nhân để lại. Trong đó có bốn ngôi đền nằm ở bốn hướng trấn giữ và “bảo vệ” ngôi thành cổ Lạng Sơn xưa, gọi là “Xứ Lạng tứ trấn”. Nhận thấy rõ giá trị của các di tích này, thời gian qua, chính quyền thành phố Lạng Sơn đã và đang có nhiều việc làm thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của nó.

Theo các tư liệu lịch sử, thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) xưa có bốn cổng chính (Cổng Thành) ở bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và tương ứng với bốn cổng này có bốn ngôi đền linh thiêng trấn giữ bảo vệ tòa thành bao gồm: đền Cửa Đông (Đông Môn Từ); đền cửa Tây (Tây Môn Từ); đền cửa Nam (Nam Môn Từ) và đền cửa Bắc (Bắc Môn Từ) được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Hiện nay, các đền đều tọa lạc tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn và hướng ra dòng sông Kỳ Cùng.

Điểm chung của các ngôi đền này đều thờ các vị thần của tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ nhà Trần. Trong đó, tiêu biểu có đền Cửa Đông là nơi thờ thần Bạch Đế (thần sông Kỳ Cùng) đã được sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn chép lại. Năm 2013, các ngôi đền này đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Cùng với thành cổ Lạng Sơn và bến đá Kỳ Cùng (Kỳ Cùng thạch độ), cụm di tích Tứ trấn đã làm phong phú tài nguyên di sản văn hóa Lạng Sơn, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử của mảnh đất, con người Xứ Lạng tới thế hệ trẻ.

Trải qua thăng trầm thời gian với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, các đền vẫn bảo tồn được kiểu kiến trúc nghệ thuật truyền thống và nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: văn bia, hoành phi câu đối, hệ thống tượng thờ cổ,… Vì thế, các di tích này không chỉ là nơi lưu giữ các loại hình kiến trúc nghệ thuật mà còn là nơi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của bà con nhân dân trong vùng và thu hút đông đảo du khách đến với Lạng Sơn.

I. Di tích Đền Cửa Tây

Đền Cửa Tây nằm ở phía tây Thành cổ Lạng Sơn, nay là đường Trần Hưng Đạo (quốc lộ 1A cũ Lạng Sơn - Hà Nội), phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Đền được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013 và là một trong 4 ngôi đền trấn giữ bốn hướng của Thành cổ Lạng Sơn.

Đền Cửa Tây

Đền có tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, thờ Trần Hưng Đạo và các vị Thánh Mẫu. Kiến trúc của đền gồm 2 tòa nhà: Tòa thứ nhất là điện thờ Mẫu, toà thứ 2 kiến trúc theo kiểu chữ Đinh thờ Đức Thánh Trần và các gia tướng: Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu cùng các Hoàng Tử và Công chúa. Đây là một trong những đền thờ vọng Đức Thánh Trần ở Lạng Sơn.

Hiện nay trong đền vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hoành phi, câu đối, hệ thống tượng thờ, chuông… Ngoài ra, Đền còn có 2 tấm bia công đức được tạc năm 1916 và 1923, là những tấm bia tạo hình có giá trị về mặt nội dung cũng như nguồn sử liệu để tra cứu. Đền Cửa Tây ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, còn là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương cũng như khách thập phương. Lễ hội đền Cửa Tây được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này, các gia đình, các Tổ liên gia trên địa bàn bày biện, sắm sửa các mâm lễ dâng lên đền để cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Đền Cửa Tây cùng với “Tứ trấn” và Thành cổ Lạng Sơn xứng đáng là một điểm di tích lịch sử văn hóa hứa hẹn du khách phương xa khi đặt chân đến thăm Lạng Sơn không thể không đến nơi này.

II. Di tích Đền Cửa Đông

Đền Cửa Đông nằm ở phía đông Thành cổ Lạng Sơn, nay là đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013. Là một trong 4 ngôi đền trấn giữ bốn hướng của Thành cổ Lạng Sơn. Đền ngụ dưới tán lá của cây đa trăm tuổi in bóng xuống sông Kỳ Cùng tạo nên không gian tĩnh mịch, trầm mặc.

Đền cửa Đông

Đền có tên chữ là Đông Môn Từ và tên cũ là Đền Bạch Đế hay Đền Quan Lớn Tam Phủ. Trong sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” ghi chép: “Đền Bạch Đế nằm ở phía Đông tỉnh thành. Địa phận xã Mai Pha thuộc Châu Ôn, thờ Thủy Thần”. Theo các nhà nghiên cứu nhận định và căn cứ vào một số tài liệu ghi chép cho rằng: Đền được xây dựng muộn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Đối tượng thờ chính của Đền là thần Bạch Đế (tức là thờ thủy thần, thần sông, thần rắn), đó là đặc trưng của cư dân nông nghiệp gieo trồng lúa nước thờ tự theo mô típ “Ông Cộc - Ông Dài” thần sông nước như trong các truyền thuyết của Việt Nam.

Đền là một di tích tín ngưỡng được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, cửa chính đền quay hướng chính Đông nhìn ra sông Kỳ Cùng, cổng vào Đền quay mặt hướng chính Tây, trên bức tường sau Đền ở phía tây có trang trí và đắp hai chữ đại tự lớn “Đông Môn”, cổng Đền liền kề ngay đó về phía tay phải. Cấu trúc Đền gồm 3 phần liền nhau: Nghi môn - Chính điện - Tả hữu vu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1968 - 1972), đền Cửa Đông là một trong những điểm chốt của Ga Lạng Sơn, nơi tiếp nhận những chuyến hàng vũ khí, đạn dược từ nước bạn Liên Xô đưa về Việt Nam qua đường Trung Quốc để gửi vào Miền Nam.

Đền Cửa Đông hiện nay ngoài thờ thần sông “Bạch Đế” còn là nơi thờ Mẫu và Đức Thánh Trần; là điểm di tích tín ngưỡng - kiến trúc nghệ thuật độc đáo và cổ kính, nơi đón tiếp nhân dân, du khách gần xa tới tham quan, hành lễ và tìm hiểu gốc tích Đức Thánh Đệ Tam thờ Thủy Thần cũng như mối liên kết giữ các Đức Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở địa phương trong tình và cả nước.

III. Di tích Đền Cửa Nam

Đền Cửa Nam nằm ở phía Nam Thành cổ Lạng Sơn, nay thuộc phố Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, cách Cổng thành phía nam Thành cổ Lạng Sơn khoảng 100 m;

Đền Cửa Nam được xây dựng cùng thời điểm với các đền cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013. Đền có kiến trúc kiểu chữ Đinh chuôi vồ, cửa chính của Đền quay về hướng Bắc. Đền thờ Mẫu (hệ tứ phủ) và thờ vọng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn).

Đền cửa Nam

Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật có ý nghĩa lịch sử quan trọng; cùng với các đền: Cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc có nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ linh khí cho Thành cổ Lạng Sơn, tạo nên sức mạnh cho Thành cổ làm nhiệm vụ trấn giữ, phòng thủ biên giới nơi địa đầu của Tổ quốc. Lễ hội truyền thống của di tích đền Cửa Nam được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm không chỉ thu hút nhân dân các khu phố thuộc khối Cửa Nam mà còn thu hút cả nhân dân trong vùng cùng khách thập phương đến lễ đền, cầu cho gia đình thuận hòa, làm ăn phát tài, cầu phúc cầu lộc.

IV. Di tích Đền Cửa Bắc

Đền Cửa Bắc nằm ở phía bắc Thành cổ Lạng Sơn, nằm vuông góc giữa 2 trục đường Trần Hưng Đạo - Cửa Bắc thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII và được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013. Cùng với các đền: Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, đền ca Bắc có nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ linh khí cho Thành cổ Lạng Sơn.

Đền cửa Bắc

Đền thờ Đức Thánh Trần (Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) và thờ Mẫu (Mẫu Liễu), Phật (Thiên Thủ Thiên Nhãn); đây chính là sự phối thờ: Tiền Thánh - Hậu Phật.

Kiến trúc của Đền hình chữ Nhị (=) gồm gian Đại Bái (Chính Điện) ở bên ngoài, gian Hậu Cung ở phía trong. Theo tư liệu “Xã chí Lạng Sơn”. trước đây Đền có nhiều hiện vật quý gồm: 1 tấm bia đá ghi công đức thời Khải Định (1924), 06 tượng thánh bằng gỗ sơn son thếp vàng, 2 nhang án, lỗ bộ, 1 bát nhang cổ bằng sứ, 1 bát nhang đỏ. Hiện nay, tại Đền vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi công đức (năm 1924) và có thêm các tượng, đồ thờ tự, ngai (thờ bóng), điện thờ…

Sau bao biến cố thăng trầm của thời gian, Đền đã bị xuống cấp. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, được sự chấp thuận của Bộ VHTT&DL, năm 2017 - 2018, Đền được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa. Công trình hoàn thành là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cầu phúc, cầu lộc, cầu may mắn, cầu bình an của nhân dân và du khách gần xa, đồng thời tạo điểm nhấn cho địa phương trong việc khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh.

Kế thừa các hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản, trong những năm qua, cùng với sự phát triển, mở cửa hợp tác và giao lưu quốc tế, đặc biệt là định hướng và phát triển du lịch tâm linh và khai thác các sản phẩm từ du lịch tâm linh… từ đó du lịch đã góp phần tác động tới hệ thống di sản văn hóa tâm linh, làm đổi thay, phát triển về diện mạo quê hương Lạng Sơn. Tứ trấn thành Lạng Sơn là một phần trong hệ thống di sản văn hóa Lạng Sơn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hóa, kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Lạng Sơn nói riêng và cả tỉnh nói chung. Điều này được thể hiện ở những mặt sau:

Góp phần thúc đẩy nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tự do tín ngưỡng của nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tâm linh vốn có của di sản

Qua thực tế cho thấy, hầu hết các di tích đình, đền, chùa ở Lạng Sơn đều có lịch sử lâu đời, chứa đựng giá trị cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di tích tín ngưỡng này không chỉ đơn thuần có giá trị về tâm linh, mà còn gắn với lịch sử hình thành văn hóa truyền thống của từng vùng, miền, có sức thu hút cao trong việc tìm hiểu, nghiên cứu của nhân dân và du khách thập phương, là tiềm năng để xây dựng thành những điểm đến hấp dẫn trong phát triển du lịch văn hóa. Di tích Tứ trấn thành Lạng Sơn nằm trong hệ thống di sản văn hóa tâm linh góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong và ngoài địa bàn thông qua các hoạt động của du lịch. Thông qua các hoạt động của du khách, như: hành lễ, dâng hương, dâng hoa, lễ bái, cầu nguyện… các cơ sở di tích tôn giáo tín ngưỡng đã góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh và tìm hiểu của các tầng lớp nhân dân; từ đó giúp cho du khách phát huy những nghĩa cử cao đẹp trong việc xây dựng cuộc sống, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới và phát triển bền vững đi lên của đất nước.

Cùng với hệ thống di tích tín ngưỡng tôn giáo, các lễ hội truyền thống tại 4 điểm di tích cũng là một tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh vô cùng hấp dẫn, là nguồn tài nguyên chịu tác động trực tiếp của du lịch đồng thời mang lại giá trị phục vụ lợi ích cho du lịch và ngược lại. Lễ hội truyền thống diễn ra là dịp để mọi người cùng tìm hiểu lại một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đã diễn ra trên mảnh đất quê hương Lạng Sơn. Qua tác động của du lịch tâm linh, các lễ hội sẽ giới thiệu được cho du khách một cách sinh động về mảnh đất, con người Xứ Lạng trong quá khứ và hiện tại; giới thiệu những nét đặc trưng, những giá trị văn hoá tín ngưỡng tôn giáo, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của một cộng đồng dân tộc gắn với lễ hội đó. Việc khai thác lễ hội trở thành sản phẩm của du lịch sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.

Từ thực tế, qua tác động của hoạt động du lịch, những năm gần đây, Di tích Tứ trấn thành Lạng Sơn cùng với hệ thống di sản văn hóa tâm linh đã góp phần khẳng định vai trò và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân. Từ những nghi lễ thờ cúng tại các di tích và niềm tin vào một thế lực siêu nhân nào đó trong đời sống tinh thần; du lịch tâm linh chính là cầu nối để nhân dân, du khách được hưởng thụ các giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, khoa học chứa đựng trong đó; được giải tỏa tâm lý, giảm bớt đi những nỗi ưu phiền mà chưa thể lý giải được trong cuộc sống; từ đó họ cầu mong những điều tốt lành, cầu bình an đến với bản thân và các thành viên trong gia đình và cộng đồng... Ngoài ra, bản thân các di tích là những tài nguyên du lịch có giá trị; do vậy, việc quy hoạch và đầu tư hợp lý trong phát triển những giá trị di tích thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, từ đó thu hút khách du lịch đến với di tích sẽ đồng nghĩa với việc những di tích này ngày càng được bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nó.

Phát triển du lịch tâm linh gắn với phát triển cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương

Cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa tâm linh; trong nhiều trường hợp cộng đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản. Chính vì vậy phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển cộng đồng ở khu vực có di sản tiềm năng. Lợi ích có được từ tác động của du lịch tâm linh đối với di sản văn hóa tín ngưỡng sẽ được chia sẻ với cộng đồng. Bên cạnh ý nghĩa trên, phát triển du lịch tâm linh gắn với cộng đồng sẽ còn khai thác được những giá trị văn hoá bản địa góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch tâm linh, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch.

Du lịch tâm linh góp phần thổi hồn cho phát triển di sản văn hóa tâm linh của cộng đồng tại địa phương. Các di tích đình, đền, chùa, lễ hội … đều là những sản phẩm tiềm năng phong phú góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh ở Lạng Sơn. Một khi những yếu tố di sản văn hoá được khuyến khích trong du lịch sẽ là cơ sở để phát triển du lịch bền vững và tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến với di sản văn hóa tâm linh ngày càng đông. Có thể nói giữ gìn bản sắc văn hoá tâm linh là sự trường tồn của mỗi lễ hội, của mỗi di tích và sẽ là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Do đó các di tích, lễ hội có tính hấp dẫn càng cao đối với du khách thì du lịch càng phát triển và càng gắn bó chặt chẽ với địa phương đó.

Thông qua hoạt động du lịch, các giá trị tinh thần và những triết lý sâu sắc của di sản tâm linh tại các địa phương sẽ được nhiều du khách, nhiều cộng đồng dân tộc biết đến. Vì lẽ đó, lễ hội truyền thống và các di tích tín ngưỡng tâm linh của Lạng Sơn đang ngày càng được biết đến và được coi là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng phục vụ phát triển du lịch, là một sản phẩm của loại hình du lịch văn hoá trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch của tỉnh. Thực tế những năm gần đây cho thấy lễ hội ở Lạng Sơn nhất là lễ hội dân gian truyền thống gắn liền với các điểm di tích đã và đang có sức thu hút rất đông đảo du khách. Nhờ đó, du lịch có thể bán các sản phẩm như lưu trú, hàng lưu niệm, các dịch vụ vận chuyển... ngược lại, di sản văn hóa tâm linh cũng được nhiều cộng đồng biết đến, cùng chung tay xây dựng, bảo vệ, trở thành di sản quý báu trong quá trình tồn tại và phát triển của cộng đồng.

Cùng với sự phát triển của du lịch, các địa phương có cơ sở văn hoá tâm linh tồn tại thì nền kinh tế của địa phương đó cũng ngày càng phát triển (điều này được thể hiện thông qua việc hoạt động kinh doanh du lịch và cung cấp các sản phẩm để phục vụ du lịch. Do đó, du lịch đem lại hiệu quả kinh tế và sự ổn định cho cộng đồng; đồng thời di sản văn hóa tâm linh cũng là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển của du lịch tâm linh. Vì vậy, di sản văn hóa tâm linh càng càng được bảo tồn và phát huy thì càng đáp ứng tốt quá trình khai thác loại hình du lịch tâm linh. Hoạt động du lịch càng phát triển thì càng phải làm giàu thêm bản sắc và truyền thống dân tộc. Vai trò và ý nghĩa của du lịch tâm linh đối với di sản văn hóa tâm linh là hết sức quan trọng, nó góp phần thúc đẩy cho địa phương vươn lên và tạo đà cho du lịch ngày một phát triển, đem lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế Lạng Sơn.

Thu hút sự quan tâm và lĩnh vực đầu tư trong công tác bảo tồn và phát huy di sản; tăng cường giao lưu hội nhập và phát triển di sản văn hóa tâm linh

          Từ các hoạt động thực tiễn của du lịch tâm linh; các cơ sở di tích, các lễ hội tín ngưỡng tâm linh sẽ được cộng đồng cùng quan tâm và chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo vệ, lưu giữ và phát huy các giá trị vốn có của di sản trên các mặt, như: duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội; huy động công tác xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn các di tích để đảm sự tồn tại bền vững dài lâu của di tích, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của du khách và cộng đồng… qua hoạt động thực tiễn từ du lịch tâm linh, trong thời gian qua công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của tỉnh đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, công tác xã hội hóa được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Thông qua các hoạt động du lịch tâm linh, công tác tuyên truyền, quảng bá bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được được thực hiện nghiêm túc, khoa học, nhiều lễ hội của Lạng Sơn đã được phục dựng và tổ chức, đã thu hút đông đảo du khách và nhân dân hưởng ứng tham gia. Cụ thể, để đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động tâm linh của du khách, trong những năm gần đây, hàng chục di sản văn hóa tâm linh của Lạng Sơn đã được tu bổ, tôn tạo bằng các nguồn vốn, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ nguồn vốn xã hội hóa, từ nguồn doanh thu xã hội từ du lịch tâm linh, cụ thể như: Theo thống kê của Ban quản lý các ngôi đền, bình quân mỗi năm, các đền đón tiếp hàng nghìn lượt khách hành hương, tham quan. Thời gian qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích “Xứ Lạng tứ trấn”, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố (VHTT) đã triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các di tích thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của “Xứ Lạng tứ trấn”; hoàn tất việc khoanh vùng bảo vệ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 4 ngôi đền: Cửa Đông, Cửa Tây và Cửa Bắc; hướng dẫn thành lập ban quản lý di tích và bộ phận thường trực di tích của cụm di tích tứ trấn; phối hợp với các nhà đền thực hiện thường xuyên công tác tu bổ di tích. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quảng bá giới thiệu hình ảnh, giá trị của “Xứ Lạng tứ trấn” đến du khách trong và ngoài nước.

Phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của “Xứ Lạng tứ trấn” là một việc làm thiết thực và quan trọng để gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau những vốn quý của cha ông. Trải qua quá trình bảo tồn và phát triển, đến nay hệ thống di sản văn hóa tâm linh địa phương Lạng Sơn luôn trở thành nguồn vốn di sản văn hóa quý giá, là điểm đến của nhiều du khách cũng như của ngành du lịch tiếp tục khám phá và tìm hiểu.

 

Trần Thị Bích Hạnh - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu