Lạng Sơn – vùng biên cương nơi địa đầu của Tổ quốc, là dải đất vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt, là cửa ngõ trọng yếu phía Bắc của Tổ quốc, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Đông Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây Nam giáp tỉnh Thải Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn.

Lạng Sơn có diện tích tự nhiên 8.305,21 km2, có 231,74 km đường biên tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, có 02 cửa khẩu quốc tế đường sắt và đường bộ, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường sắt và đường bộ, có các tuyến đường Quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 nối liền Lạng Sơn với các tỉnh trong nước và ngoài nước.

Lạng Sơn có dân số hơn 75 vạn người, là nơi sinh tụ của những dân tộc anh em với các dân tộc chủ yếu như Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay với những phong tục, tập quán, lễ hội, những làn điệu dân ca, hát then, hát sli, hát lượn… làm say đắm lòng người, những phiên chợ vùng cao, những sắc màu trang phục truyền thống, những áng ca dao mang đậm bản sắc dân tộc…

Lạng Sơn là mảnh đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng với hơn 300 lễ hội truyền thống đặc sắc. Được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như: Động Tam Thanh, Nhị Thanh, Nàng Tô Thị… Bên cạnh đó, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của cha, ông Lạng Sơn có hơn 600 di tích lịch sử, di tích cách mạng như: Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc…Lạng Sơn từ lâu được biết đến là mảnh đất có tiềm năng, thế mạnh về loại hình du lịch tâm linh với hệ thống nhiều  đình, chùa nằm dọc khắp tỉnh như : Đền Bắc Lệ, Đền Kỳ cùng – Tà phủ, Đền Mẫu Đồng Đăng, Chùa Tân Thanh, Chùa Thành… Ngoài ra còn là một vùng quê xinh đẹp, với non nước xanh biếc của dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng.

Lạng Sơn có khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như khu du lịch Mẫu Sơn, Chóp Chài… Khí hậu nhiệt đới tạo ra những sản vật Xứ Lạng rất độc đáo như hoa Hồi, mác Mật… Các loại hoa quả của Lạng Sơn cũng rất phong phú như mơ Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng Văn hóa ẩm thực Lạng Sơn nổi tiếng từ lâu mang phong vị riêng như món Vịt quay, Lợn quay, Khau nhục, Phở chua…được ghi nhận là đặc sản và sản vật hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.

Về cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng ngày một đa dạng phong phú. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và các hoạt động kinh doanh lữ hành ngày càng được đầu tư, nâng cấp tạo ra những chuyển biến tích cực thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Lạng Sơn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 05 đơn vị kinh doanh lữ hành, có hơn 200 cơ sở lưu trú. Nhìn chung, trong những năm vừa qua các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hoạt động có hiệu quả và đã đem lại nguồn thu nhập và việc làm ổn định cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua thực tế hoạt động kinh doanh, bằng những kinh nghiệm của mình, với những lợi thế của địa phương và đặc biệt trong bối cảnh hội nhập phát triển giữa các vùng, khu vực cũng như hội nhập quốc tế, để hoạt động kinh doanh có hiệu quả chiếm lĩnh mở rộng được thị trường, mỗi đơn vị đều có chủ trương định hướng chiến lược để duy trì và phát triển không ngừng lớn mạnh.

Với những điều kiện như vậy, xác định là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có các chủ trương về phát triển du lịch thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các Chỉ thị, Nghị quyết, Chuyên đề và Chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh phát triển Du lịch Lạng Sơn “Phát triển du lịch Lạng sơn tương xứng với tiềm năng thế mạnh trên địa bàn để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển du lịch phải tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế, văn hóa – xã hội; phải gắn với việc giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp giữa việc bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”. Từng bước đưa Lạng Sơn trở thành một trung tâm giao lưu buôn bán thương mại quan trọng của khu vực phía Bắc, đồng thời đã tạo cho Lạng Sơn là một trung tâm du lịch sôi động, tấp nập của cả nước không chỉ thu hút khách du lịch trong nước, Trung Quốc mà còn thu hút ngày càng đông khách du lịch các nước Đông Âu đến Lạng Sơn, ngoài việc thưởng thức cảnh đẹp họ còn nghiên cứu lịch sử phát triển, văn hoá, con người Lạng Sơn.

Với những tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Lạng Sơn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn; thu hút nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để biến những tiềm năng thành hiện thực, tin tưởng rằng sẽ tạo được sự bứt phá đi lên trong những năm tới, góp phần tích cực xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam hấp dẫn trong con mắt của bạn bè quốc tế.