Khai thác những giá trị văn hóa, truyền thống phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn

08/12/2020 2772 0

Bắc Sơn là huyện có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng , với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình cùng với những phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc. Bắc Sơn cũng là một trong những cái nôi của loài người, thuộc nền “văn hóa Bắc Sơn”, mang những dấu tích của một nền văn hóa nổi tiếng trong khảo cổ học.

Bắc Sơn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có 12 xã An toàn khu (ATK) của Trung ương thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo thống kê sơ bộ , hiện nay (2019) trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 47 điểm, khu di tích với 04 loại  hình gồm: 18 khu, điểm di tích lịch sử, 23 di tích kiến trúc nghệ thuật; 04 di tích khảo cổ, 02 di tích danh lam thắng cảnh. Trong đó có 16 khu, điểm di tích được xếp hạng gồm: 01 cấp Quốc gia đặc biệt (Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn); 01 Cấp Quốc gia (Di tích Hang Dơi); 14 cấp tỉnh. Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn gồm 12 điểm phân bố trên địa bàn 06 xã của huyện  Bắc Sơn. Di chỉ Hang Dơi (thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ) xếp hạng di tích năm 2004 là di chỉ khảo cổ được khai quật năm 1984 có nhiều di vật liên quan đến nền văn hóa Bắc Sơn và người tiền sử, hiện nay di tích đã được khoanh vùng bảo vệ. Hiện nay, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn đang lưu giữ trưng bày 655 tài liệu hiện vật. Tiếp nối Bắc Sơn là vùng phụ cận với những di tích lịch sử như khu Lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng), khuôn viên tượng đài đồng chí Lương Văn Tri (huyện Văn Quan), Khu di tích lịch sử kháng chiến Kéo Coong, di chỉ khảo cổ học Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (huyện Bình Gia).

Về văn hóa dân tộc: Trong xu thế phát triển hiện nay, lễ hội truyền thống đặc sắc là một trong những lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch gắn với văn hóa dan tộc và văn hóa vùng miền. Tại huyện Bắc Sơn, hiện nay có 02 lễ hội với quy mô tương đối lớn đã thu hút được khá đông khách du lịch từ mọi miền, đó là lễ hội Ná Nhèm ở xã Trấn Yên và Lễ hội Lồng Tồng ở xã Bắc Quỳnh. Cùng với đó là kho tàng văn hóa dân gian như: hát then, múa chầu, hát sli, hát lượn, hát ví… Những bộ trang phục áo chàm của dân tộc Tày và dân tộc Nùng, những hoa văn tiết tấu sặc sỡ của dân tộc Dao vẫn được giữ gìn đã tô them những nét đẹp văn hóa của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.

Thi gói bánh chưng trong lễ hội đầu năm của người Tày Bắc Sơn

Bắc Sơn còn được biết đến với một số Làng nghề truyền thống, trong đó phải nói đến làng nghề làm ngói âm dương thủ công của người Tày (hay còn gọi là ngói máng) tại thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn: nghề làm ngói âm dương đã có từ lâu đời và việc làm ngói âm dương tập trung vào khoảng cuối năm khi công việc nhà nông đã bớt tất bật. Đây là nghề truyền thống của người dân đã tồn tại hàng trăm năm, hoạt động quanh năm nhưng đặc biệt cao điểm vào những tháng cuối năm (tháng 9, 10, 11). Theo truyền thống của người Dao, Tày, Nùng những ngôi nhà ở đây được xây dựng và lợp mái chủ yếu bằng ngói âm dương. Vì vậy nghề làm ngói cũng góp phần tạo nên nét đặc sắc trong kiến trúc nhà ở Bắc Sơn. Có thể kết hợp mô hình làng nghề với du lịch để tạo điểm tham quan cho khách du lịch và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Những yếu tố tự nhiên kết hợp với những truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc đã tạo cho Bắc Sơn có tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch với nhiều loại hình du lịch khác nhau, trong đó có hai hình thức du lịch Bắc Sơn đvã à đang được chú trọng phát triển đó là: du lịch cộng đồng và du lịch khám phá trải nghiệm.

Nghề làm ngói âm dương

Trong những năm qua hoạt động du lịch của huyện Bắc Sơn đã đạt được những kết quả tích cực với một số sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái kết hợp sản phẩm nông nghiệp, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, tín ngưỡng, lễ hội dân gian, du lịch khám phá trải nghiệm… từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá cảnh quan thiên nhiên của du khách trong nước và khách quốc tế. Trong sơ đồ quy hoạch phát triển tỉnh Lạng Sơn, Bắc Sơn được coi là điểm sáng trên tuyến du lịch theo quốc lộ 1B kết nối hai trung tâm du lịch lớn của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đó là Thái Nguyên – Lạng Sơn trong khuôn khổ không gian du lịch Hà Nội – Thái Nguyên – Lạng Sơn. Nổi lên trong tuyến du lịch này là các điểm du lịch tại huyện Bắc Sơn: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, rừng gỗ nghiến, đình Nông Lục, Đồn Mỏ Nhài, Trường Vũ Lăng, Hồ Tam Hoa, Vườn quýt Bắc Sơn, các xã An toàn Khu Lạng Sơn. Từ thành phố Lạng Sơn theo quốc lộ 1B khoảng 80 km, qua đèo Tam Canh đến địa phận xã Long Đống rẽ trái, hoặc cũng theo quốc lộ 1B, từ thành phố Thái nguyên đi khoảng 80 km rẽ phải 2,5 km khách du lịch sẽ đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn. Đây là điểm tham quan đầu tiên trong hành trình khám phá tuyến điểm du lịch huyện Bắc Sơn.

Trong 20 xã, thị trấn của huyện Bắc Sơn, xã Bắc Quỳnh là xã có điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Từ mô hình thử nghiệm năm 2010 với vài hộ gia đình tham gia làm du lịch, phục vụ khách du lịch lưu trú khi đến thăm thung lũng Bắc Sơn, đến nay loại hình lưu trú homestay phục vụ khách du lịch khá nhiều. Tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, Xã Vũ Lăng là xã có các điều kiện, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này theo các tiêu chí: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc thuận tiện; Có các điểm tham quan tại làng hoặc vùng phụ cận hấp dẫn du khách, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương bao gồm các yếu tố về nhà cửa, trang phục, ẩm thực, lễ hội truyền thống vẫn được bảo tồn, gìn giữ, là yếu tố thu hút khách du lịch. Làng du lịch cộng đồng xã Vũ Lăng có hồ Vũ Lăng với phong cảnh đẹp, thích hợp với khách du lịch ưa khám phá, dã ngoại.

Căn cứ và tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và nhu cầu thị trường khách du lịch, có thể định hướng phát triển sản phẩm du lịch Bắc Sơn như sau: Du lịch gắn với văn hóa, lịch sử cách mạng: Tham quan hệ thống di tích lịch sử cách mạng, bảo tàng tại Bắc Sơn, nghiên cứu, du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa lối sống của các dân tộc Bắc Sơn, ẩm thực, lễ hội... Du lịch gắn với sinh thái: Tham quan hang động, nghỉ dưỡng, du lịch leo núi, đi bộ trong rừng, thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, vui chơi giải trí cuối tuần...

Căn cứ vào sự phân bố tài nguyên du lịch, việc tổ chức các tuyến điểm du lịch cần bảo đảm khai thác hợp lý tài nguyên và thuận lợi để khách du lịch tiếp cận và hưởng thụ. Để tạo ra bước đột phá cho phát triển du lịch, huyện Bắc Sơn cần tập trung đầu tư hơn nữa cơ sở, hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, mời gọi các nhà đầu tư, mở rộng không gian du lịch. Phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí nhằm đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo ra sức hấp dẫn của du lịch. Đối với du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, cùng với việc bảo tồn các giá trị di tích, ngành du lịch cũng cần phát huy hết các thế mạnh khai thác khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển du lịch, tranh thủ khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng du lịch và tôn tạo di tích văn hóa lịch sử truyền thống.

Để phát triển sản phẩm du lịch, huyện Bắc Sơn cần phát huy tối ưu giá trị của cảnh quan tự nhiên, sinh thái, đặc biệt là cảnh quan hệ thống thung lũng gắn với cuộc sống, sinh kế và sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Bắc Sơn, đồng thời phát huy tối ưu các giá trị truyền thống lịch sử và hệ thống di tích lịch sử cách mạng đặc biệt nhằm xây dựng Bắc Sơn thực sự trở thành điểm đến du lịch quyến rũ, tạo cơ hội cho khách du lịch vừa trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh quan sinh thái, văn hóa đặc sắc, vừa tìm hiểu các giá trị lịch sử cách mạng đặc biệt của một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của Việt Nam. Nếu xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt và hấp dẫn, Bắc Sơn sẽ trở thành điểm đến du lịch đáng khám phá của du khách trong nước và quốc tế. Trong xu thế hội nhập hiện nay, thách thức lớn nhất đối với các dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Sơn nói riêng là làm thế nào để nền văn hóa dân tộc vừa có thể tiếp thu được các giá trị thời đại, tinh hoa văn hóa nhân loại vừa có thể giữ được bản sắc dân tộc vốn có; tiếp tục phát triển trong sự giao lưu với cộng đồng thế giới mà không bị hòa tan, không bị nhấn chìm vào các nền văn hóa. Việc nhận thức rõ vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc huyện Bắc Sơn.

 

Trung tâm thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu