Khai thác tiềm năng phát triển du lịch Lạng Sơn

13/04/2020 1541 0

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Bắc có thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hoá đặc sắc. Cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của tân tộc ta, Lạng Sơn được biết đến với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó có những di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Dân số Lạng Sơn hơn 78 vạn người với 7 dân tộc chính. Mỗi dân tộc đều chứa đựng những nét văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt mang đặc trưng riêng của vùng quê Xứ Lạng như lễ hội truyền thống đặc sắc, lễ cưới hỏi, các ngày lễ tết, văn hóa ẩm thực, trang phục dân tộc... Với nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… tạo nên bức tranh văn hóa đa màu, thống nhất. Mảnh đất địa đầu Tổ Quốc này trong lịch sử đã làm nên biết bao chiến công hiển hách tạo nên những biến động lịch sử to lớn. Với truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng với điều kiện thuận lợi về giao thông, giao thương, trong xu thế mở cửa, hòa nhập kinh tế thế giới sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi để Lạng Sơn đẩy mạnh kinh tế thương mại du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.

Tuyết rơi trên Khu du lịch Mẫu Sơn

Lạng Sơn được thiên nhiên ưu đãi những vùng núi có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển với độ dốc lớn, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, Sản vật Xứ Lạng rất phong phú và độc đáo như hoa Hồi, mác Mật, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn. Văn hóa ẩm thực Lạng Sơn nổi tiếng từ lâu Vịt quay, Lợn quay, Khau nhục, Phở chua… được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam. Tài nguyên về di tích lịch sử, văn hóa là nhân tố hết sức quan trọng để phát triển du lịch Lạng Sơn mà không phải địa phương nào cũng có. Với những giá trị của hệ thống di tích đem lại, Lạng Sơn đã và đang phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên đó phục vụ phát triển du lịch. Mỗi một di tích, một danh thắng, hay một câu hát then, sli… chính là nguồn tài sản vô giá và là nền tảng cho phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, một số di tích thu hút được lượng khách tham quan khá đông, nhất là vào những ngày cuối tuần, như: Chùa Thành, đền Kỳ Cùng, động chùa Nhị Thanh, Tam Thanh... Khách du lịch đến Lạng Sơn theo các loại hình du lịch: du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội, du lịch khám phá hang động, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng ngày càng tăng.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có hệ thống giao thông thuận lợi, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 231,74km; có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 01 cửa khẩu quốc gia chính (Chi Ma) và 09 cửa khẩu phụ tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của cả nước với Trung Quốc, sau đó sang các nước Trung Á, châu Âu. Những năm qua, du lịch phát triển đã góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội của địa phương, tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho các tầng lớp dân cư, góp phần vào xoá đói giảm nghèo, đồng thời qua đó thúc đẩy giao lưu văn hoá, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển kinh tế. Với  định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lạng Sơn đã xác định rõ những bất cập, hạn chế và đề ra giải pháp cụ thể, nhằm thực hiện tốt quy hoạch đầu tư phát triển, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường cũng như đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ

Lạng Sơn đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới và đưa vào khai thác có hiệu quả như: sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa cảnh quan; du lịch biên giới, du lịch cộng đồng tại Hữu Lũng, Bắc Sơn… Các loại hình du lịch đã được khai thác và chú trọng phát triển mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, xã hội, kinh tế như: Du lịch văn hóa tâm linh, Du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch sinh thái cộng đồng, Du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh: như na huyện Chi Lăng; hoa hồi huyện Văn Quan; quýt vàng huyện Bắc Sơn; hồng không hạt Bảo Lâm, huyện Cao Lộc; chè Đình Lập; cây thạch đen Tràng Định, sản phẩm nông nghiệp gắn với các làng nghề như: cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), cao khô chợ Bãi (Văn Quan), bánh khảo Tràng Định; các  loại rau xanh đặc sản được trồng tại Tân Liên, Gia Cát (Cao Lộc); chanh rừng Mẫu Sơn (Lộc Bình)…

Cơ sở hạ tầng cho phát triển dịch vụ du lịch ngày càng được chú trọng, đầu tư một cách đồng bộ và hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Các cơ sở lưu trú ngày càng có sự quan tâm đầu tư xây dựng mới và thường xuyên nâng cấp như khách sạn Vinpearl, Mường Thanh; các công ty du lịch mới cũng được hình thành. Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư tu bổ các di tích như: đền Kỳ Cùng, chùa Tam Thanh, thành Nhà Mạc… Sự quan tâm của các ngành các cấp đối với hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là nền tảng phát triển du lịch tỉnh nhà, ngày càng đáp ứng được nhu cầu tham quan của khách du lịch mỗi khi đến với Lạng Sơn.

Những năm qua, các cấp các ngành của tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn và khai thác giá trị của hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh, xây dựng đề án quy hoạch và phát triển các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Thực hiện Chương trình hành động 74/CTr-TU ngày 28/12/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 26/2/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Việc phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, di sản văn hóa để phát triển du lịch cũng tiếp tục được đặt ra. Theo đó, Tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cơ chế, ban hành chính sách riêng về phát triển du lịch… Cùng với đó tăng cường việc huy động hiệu quả các nguồn lực theo hướng xã hội hóa trong việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch, đặc biệt phát triển đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch.

Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tin rằng du lịch Lạng Sơn có bước phát triển ấn tượng trong những năm tới, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là cầu nối liên kết giữa kinh tế, văn hóa, tự nhiên, xã hội; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc tạo đà cho một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu