Khai thác vẻ đẹp độc đáo Làng đá Thạch Khuyên (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trong phát triển du lịch

02/12/2020 2945 0

Cách TP. Lạng Sơn chừng 40km, Làng đá Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) xung quanh được bao bọc bởi những hàng rào đá. Những bờ tường đá được xếp xung quanh ngôi nhà một cách kiên cố. Đá nằm chồng lên nhau thành hàng, thành lối, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng tạo vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình nơi biên giới xứ Lạng. Chìm trong không gian của đá, làng đá Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) mang vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình nơi biên giới xứ Lạng. Có lẽ ít có nơi nào trên dải đất hình chữ S lại có một “làng đá” độc đáo, hoang sơ, đẹp và yên bình lạ lùng đến thế.

Con đường vào làng Thạch Khuyên quanh co ngoằn ngoèo nhưng lại vô cùng độc đáo bởi những hàng rào được xếp bằng những phiến đá chồng lên nhau như những tường thành vững chãi. Ở đây có hơn 100 hộ gia đình, chủ yếu là người dân tộc Nùng sinh sống. 

Làng Thạch Khuyên nhìn từ trên cao


Được biết, những bờ tường đá này được xây dựng từ những năm giữa thế kỷ XIX. Ngày đó, thế hệ cha ông họ đã nhặt đá xếp nền làm nhà trình tường, xếp đá kè bờ ao, bờ ruộng và dùng đá để dựng thành lũy như một cái khuyên tròn bằng đá. Xung quanh nhà và cạnh các lối đi trong thôn đều được kê tường rào đá chắc chắn. Thành đá vững chắc vừa có tác dụng ngăn thú dữ, vừa ngăn kẻ thù xâm phạm. Chính nhờ có thành đá mà dân làng đã sống yên ổn qua bao giặc giã và thổ phỉ vùng biên. 
Cái độc đáo ở đây là đá mồ côi nằm chồng lên nhau thành hàng thành lối quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Nhiều viên đá cũ mốc thếch, rêu phủ xếp cao như thành, trên đó là những bụi xương rồng càng làm cho làng đá bí ẩn, nguyên sơ. Không ai nhớ chính xác làng đá có từ bao giờ, ngay đến các cụ cao niên nhất làng cũng chỉ biết lớn lên đã thấy đá như thế rồi. Đá xếp hàng rào, quây vườn rau, đá lát đường, có những tảng đá dài 3m, có tảng rộng cả mét vuông. Cái độc ở đây là đá mồ côi liền khối, chứ nếu là đá vôi, đá mắc ma... chắc nhiều người nghĩ đang lạc vào cao nguyên đá. Đá ở đây không đổ gập nghềnh mà nó được xếp có trật tự, có hàng có lối giống như những con trăn khổng lồ men theo từng góc đường, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Các cụ xưa kia đã nhặt đá xếp nền làm nhà trình tường, xếp đá thành ngõ đi, đá kè bờ ao, bờ ruộng. Nhưng quan trọng nhất là những tảng đá được xếp thành thành lũy tựa như một cái khuyên tròn để bảo vệ làng tránh sự cướp bóc của thổ phỉ. Làng đá dưới cảm nhận của chúng tôi vừa thâm u bí ẩn, vừa giống như một thú chơi tao nhã của nhà sưu tầm, vừa giống một công trình quân sự... Những tảng đá vô tri vô giác như sống cùng người dân Thạch Khuyên, chứng kiến bao điều xảy ra nơi đây, chứng kiến cuộc sống lao động của con người nơi biên giới này. Giống như trên cao nguyên đá, đá xếp thành chồng bao lấy những gì cần bảo vệ thì ở đây cũng vậy, chỉ khác là đá mồ côi có tảng đá diện tích cả mét vuông, có hòn tròn như một cái chum đại, có tảng lại dài như một quả bí đao khổng lồ. Theo cốt tích lịch sử thì trước đây, ở làng Thạch Khuyên nhà nào cũng có nhiều trâu bò, lợn gà. Vì vậy, bọn thổ phỉ từ bên kia biên giới thường xuyên tràn sang cướp bóc của cải. Để phòng thủ, người dân cùng nhau dùng đá xếp thành hàng rào bảo vệ bao quanh ngôi làng. Người dân địa phương cho biết cha ông thời trước dựng hàng rào đá để chống giặc cướp đến phá làng. Nhiều nơi trên hàng rào đá còn dấu tích lỗ châu mai... Trong làng vẫn còn nhiều mái nhà trình tường, một lối kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Đây là những ngôi nhà làm bằng tường đất dày, kiên cố, lợp ngói âm dương, cao một hoặc 2 tầng. Phía trong nhà có bố trí hệ thống chốt và then cửa chắc chắn; tầng áp mái có trổ các lỗ châu mai để phòng thủ. Đá lát rải làm đường, đá làm tường rào, đá kè bờ ao, đá chèn bờ ruộng. Đá ôm nhà, ôm người, ôm cây, ôm cỏ ở nơi đây...  Xung quanh nhà và cạnh các lối đi đều được kê tường rào đá chắc chắn tạo cảnh quan đẹp, độc đáo. Không ít bờ đá đã không còn vết tích do sự vận động của lịch sử. Thế nhưng những hàng rào đá, bờ kè đá còn lại cũng đủ để người ta ngỡ ngàng. Mặc cho rêu phủ, đá mòn, bờ tường đất dần bạc màu... làng đá vẫn tồn tại âm thầm như vậy cho đến ngày nay. 
Thôn Thạch Khuyên hiện nay có 115 hộ dân với 532 nhân khẩu, dân cư chủ yếu là đồng bào Nùng, chiếm 60% số dân của cả thôn. Toàn thôn hiện còn 18 ngôi nhà trình tường và một số đoạn tường rào bằng đá người dân vẫn đang sử dụng. Hằng năm, chính quyền xã Xuất Lễ tổ chức tuyên truyền đến người dân về việc gìn giữ vệ sinh môi trường, vận động các gia đình xếp những viên đá mới thay thế viên cũ hỏng để góp phần gìn giữ lâu dài vẻ đẹp của làng đá, tuy nhiên, vẻ đẹp của làng đá cổ này vẫn đang đứng trước nguy cơ “mai một”. Do nguồn lực của xã hạn hẹp, làng cổ này vẫn chưa được xếp hạng di tích nên việc bảo tồn và phát huy giá trị làng đá cổ rất khó khăn. Bên cạnh đó, các ngôi nhà cổ trình tường cùng các công trình bằng đá là sở hữu của các gia đình, họ có quyền sửa chữa, cải tạo để đảm bảo điều kiện cư trú nên chúng tôi cũng khó vận động họ giữ lại. Thời gian qua, UBND huyện Cao Lộc đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát để xem xét, nghiên cứu khai thác tiềm năng du lịch tại đây (riêng năm 2019, huyện tổ chức 4 cuộc). Bên cạnh đó, huyện cũng đã giới thiệu kết nối làng đá Thạch Khuyên với các điểm du lịch khác trong huyện (tuyến: trung tâm huyện Cao Lộc – xã Hải Yến (mô hình dệt thổ cẩm, múa sư tử mèo) – xã Cao lâu – xã Xuất Lễ (làng đá Thạch Khuyên) – Khu du lịch Mẫu Sơn). Hiện nay, UBND huyện đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Viettimes Entertainment lập đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó hình thành ý tưởng xây dựng kế hoạch về bảo tồn và phát huy “Làng phòng thủ, nhà pháo đài – Làng đá Thạch Khuyên”.
Để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân bảo tồn, tôn tạo hàng rào đá trước nguy cơ bị bào mòn theo thời gian. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã tổ chức khảo sát, kêu gọi các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây, trong tương lai sẽ hình thành các tuyến du lịch, hình thành làng du lịch cộng đồng để đẩy mạnh phát triển kinh tế cho người dân.
Tuy nhiên, để đánh thức, khai thác được tiềm năng đó, cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng từ việc xây dựng quy hoạch, cơ sở vật chất, hạ tầng đến công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân địa phương có ý thức gìn giữ, bảo tồn những di sản quý báu đó.
Những ngôi nhà trình tường và các công trình bằng đá đã tồn tại, chở che các thế hệ người dân Thạch Khuyên qua thăng trầm lịch sử. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa quý giá để huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung khai thác, phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Do vậy, việc bảo tồn làng đá cần sớm được hiện thực hoá bằng những giải pháp, hành động cụ thể.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn
 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu