Việt Nam là quốc gia đang phát triển nằm trong khu vực Đông Nam Á, được đánh giá khu vực phát triển năng động của thế giới. Trong thời gian qua, ngành dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng đang góp phần quan trọng làm thay đổi trong cơ cấu GDP của nước ta. Việc đầu tư phát triển ngành du lịch dịch vụ trong thời gian tới ngày càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 231,74km. Với nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… tạo nên bức tranh văn hóa đa màu, thống nhất. Mảnh đất địa đầu Tổ Quốc này trong lịch sử đã làm nên biết bao chiến công hiển hách tạo nên những biến động lịch sử to lớn. Với truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng với điều kiện thuận lợi về giao thông, giao thương, trong xu thế mở cửa, hòa nhập kinh tế thế giới sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi để Lạng Sơn đẩy mạnh kinh tế thương mại du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
Vị trí địa lý của Lạng Sơn thuận lợi với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ cách Hà Nội hơn 150km, nằm trong hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc du lịch Lạng Sơn nằm trong vùng du lịch số 1 của cả nước là điểm có khả năng đón tiếp khách du lịch quốc tế lưu chuyển qua biên giới Việt - Trung, du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc miền núi, biên giới…
Khu du lịch Mẫu Sơn huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn
Định hướng phát triển kinh tế của Lạng Sơn đã khẳng định ngành du lịch là thế mạnh, một ngành kinh tế quan trọng có hiệu quả cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm tới. Với sự tham gia của các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung nhiều nguồn lực, đầu tư tập trung không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra hệ thống du lịch hấp dẫn thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn có vị thế quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vùng đất này ngoài những danh thắng nổi tiếng như núi tượng Nàng Tô Thị, động Nhị - Tam Thanh, Chùa Tiên, khu du lịch nghỉ mát Mẫu Sơn, hệ thống hang động ở Bình Gia, Bắc Sơn và Chi Lăng... còn có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công lẫy lừng như ải Nam Quan, ải Chi Lăng, Bắc Sơn, Thất Khê, Đường 4 anh hùng. Không những thế, Lạng Sơn còn là mảnh đất nổi tiếng có bề dày truyền thống văn hoá với những câu ca dao, điệu then, câu sli - lượn làm say đắm lòng người; nơi hội tụ nhiều lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc, những chợ phiên đông đúc, vừa là nơi buôn bán, vừa là nơi giao lưu văn hoá giữa miền xuôi và miền ngược, giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Được các nhà khoa học xác định là một trong những nơi định cư của người Việt cổ, Lạng Sơn đã bắt đầu hình thành ngay từ thuở các vua Hùng dựng nước. Huyện Bình Gia của Lạng Sơn ngày nay được xem là một trong những cái nôi của loài người với di chỉ Thẩm Khuyên, Thẩm Hai nổi tiếng. Trải qua hàng nghìn năm khai phá, với tinh thần lao động cần cù sáng tạo, Lạng Sơn đã dần thay đổi và trở thành vị thế trọng yếu ở vùng biên cương phía Đông Bắc Tổ quốc.
Lạng Sơn là quê hương của nhiều dân tộc ít người vùng núi Đông Bắc Việt Nam với đặc trưng văn hoá riêng thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò vui đặc sắc diễn ra trong các lễ hội, ngày vui như: hát then đàn tính; hát SLi, hát Cò Lẩu (dân tộc Nùng); hát Lượn, hát Quan Làng (dân tộc Tày); hát Xắng Cọ (dân tộc Sán Chỉ); múa sư tử, múa võ dân tộc, trò sĩ - nông - công - thương trong lễ hội Lồng Tồng, thi nấu món ăn dân tộc; nghề nhuộm chàm, thêu, dệt thổ cẩm... và nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác tạo thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn có sức hấp dẫn khách du lịch.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng khích lệ. Diện mạo thành phố Lạng Sơn, các khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch và các thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Do những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nên tiềm năng, thế mạnh chính của Lạng Sơn là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu. Đây là hướng quan trọng, mũi nhọn để tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy là tỉnh miền núi, nhưng Lạng Sơn chỉ cách thủ đô Hà Nội 154 km, lại nằm cạnh tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông Lạng Sơn rất thuận lợi, là đầu mối tuyến quốc lộ 1A, nơi bắt nguồn của con đường 4B ra Trà Cổ, vịnh Hạ Long - Quảng Ninh, đường 4A lên Pắc Bó - Cao Bằng, đường 1B sang Thái Nguyên, đường 3B sang Na Rì - Bắc Kạn đồng thời có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc vươn tới các nước Đông Âu. Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế (Ga đường sắt Đồng Đăng, Của khẩu Hữu Nghị), 1 cửa khẩu chính (cửa khẩu Chi Ma), và 9 cửa khẩu phụ rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hoá và phát triển dịch vụ. Lạng Sơn trở thành đầu mối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều dự án quy hoạch phát triển các khu đô thị, vui chơi giải trí, như Phú Lộc, Hoàng Đồng, Mai Pha, Đèo Giang... đã và đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh về thương mại - dịch vụ - du lịch và những lĩnh vực khác chưa được khai thác và phát huy tối đa. Vì thế, trong thời gian tới Lạng Sơn sẽ tập trung vào việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh sẵn có.
Những năm qua, du lịch xứ Lạng đã có những chuyển biến tích cực: triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 74/CTr-TU ngày 28/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị Quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Lạng Sơn đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 132,6 triệu USD; năm 2030, tổng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt 6 triệu lượt, trong đó có trên 2,6 triệu lượt khách lưu trú, tổng doanh thu đạt 381 triệu USD. Du lịch đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Lạng Sơn, với các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm, du lịch cửa khẩu hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Lạng Sơn đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới và đưa vào khai thác có hiệu quả như: sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa cảnh quan; du lịch biên giới, du lịch cộng đồng tại Hữu Lũng, Bắc Sơn… Cùng với đó là sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, công ty du lịch, hội viên và cán bộ, người lao động trực tiếp trong ngành du lịch đã nhạy bén, chủ động đầu tư, khai thác hiệu quả một số sản phẩm lưu niệm được phát triển từ các đặc sản của tỉnh như: sản phẩm từ hoa hồi và chế phẩm từ hoa hồi, na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng vành khuyên Văn Lãng; thạch đen Tràng Định, quýt vàng Bắc Sơn, ba kích Đình Lập… Các loại hình du lịch đã được khai thác và chú trọng phát triển mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, xã hội, kinh tế như:
Du lịch văn hóa tâm linh: Lạng Sơn là vùng đất có nhiều danh thắng, di tích lịch sử, văn hoá gắn với tín ngưỡng, lễ hội. Đây chính là lợi thế giúp Lạng Sơn khai thác, phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Nhận thấy rõ tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu của du khách, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm đưa loại hình du lịch văn hóa tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại nhiều giá trị, hướng tới sự phát triển bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Đến với Lạng Sơn, du khách thường đi lễ tại các đền, chùa nổi tiếng ở thành phố Lạng Sơn như Chùa Thành, chùa Tam Thanh, đền Kỳ Cùng, Tả Phủ... Tiếp đó, sẽ đến các điểm du lịch văn hóa tâm linh khác tại các huyện trong tỉnh như: đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc); chùa Tân Thanh (Văn Lãng) – một điểm đến mới mang nhiều ý nghĩa nơi biên ải. Kết hợp với đó là tham quan mua sắm tại các chợ. Hoặc xuôi về phía nam vào lễ đền Quỷ Môn (Chi Lăng), đền Bắc Lệ (Hữu Lũng)... Đến Lạng Sơn du lịch vào mùa xuân, du khách còn có dịp trải nghiệm trong không khí các lễ hội truyền thống và càng hiểu sâu sắc hơn về đất và người xứ Lạng như lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng; chùa Tam Thanh, chùa Tiên, chùa Bắc Nga, đền Vua Lê…
Du lịch nghỉ dưỡng: Núi Mẫu Sơn nằm trên địa bàn 3 xã Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) và Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) với diện tích 10.470 ha. Mẫu Sơn cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía Đông, nằm ở độ cao 1.541m so với mặt biển, khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm 15,60C, rất thích hợp cho nghỉ dưỡng. Mẫu Sơn của Lạng Sơn đẹp chẳng kém Sa Pa của Lào Cai, lại rất thuận về địa lý, giao thông, giàu tài nguyên thiên nhiên, cách Hà Nội không đến 180 km. Từ Mẫu Sơn du khách có thể đi thăm Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma. Núi Mẫu Sơn thích hợp loại hình du lịch nghỉ dưỡng và các hoạt động thể thao như leo núi, khám phá.
Du lịch sinh thái cộng đồng: Hiện nay du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương... Thời gian qua, hướng phát triển du lịch cộng đồng được tỉnh chú trọng đầu tư, khởi đầu là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn với sự tham gia của 5 hộ gia đình chính thức hoạt động từ năm 2012, trung bình hằng năm thu hút trên 7.000 lượt du khách. Với mục tiêu nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng, hai xã Vũ Lăng (huyện Bắc Sơn) và Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) là địa điểm có nhiều điều kiện thuận lợi hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng, Cho đến nay, đã xây dựng tour du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng giữa hai huyện Bắc Sơn, Hữu Liên gắn kết với vùng phụ cận; Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng là hướng đi đúng đắn được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời nâng cao mức sống, tạo việc làm cho người dân bản địa.
Du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh: Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch như na huyện Chi Lăng; hoa hồi huyện Văn Quan; quýt vàng huyện Bắc Sơn; hồng không hạt Bảo Lâm, huyện Cao Lộc; chè Đình Lập; cây thạch đen Tràng Định, sản phẩm nông nghiệp gắn với các làng nghề như: cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), cao khô chợ Bãi (Văn Quan), bánh khảo Tràng Định; các loại rau xanh đặc sản được trồng tại Tân Liên, Gia Cát (Cao Lộc); chanh rừng Mẫu Sơn (Lộc Bình)…
Cùng với sự khai thác và phát triển sản phẩm du lịch phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉnh Lạng Sơn chú trọng việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị, cảnh quan di tích, tích cực nghiên cứu, xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý phù hợp với sự phát triển du lịch cả nước mà vẫn giữ được truyền thống văn hóa dân tộc; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức văn hoá, lịch sử; đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích, đặc biệt là hệ thống giao thông đến các điểm du lịch có sức hút với du khách; tập trung đầu tư các khu du lịch trọng điểm. Mặt khác, hoạt động liên kết du lịch với các địa phương được đẩy mạnh; công tác quản lý du lịch được tăng cường. Lạng Sơn đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các tour, tuyến, mở rộng không gian du lịch. Cơ sở hạ tầng cho phát triển dịch vụ du lịch ngày càng được chú trọng, đầu tư một cách đồng bộ và hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh, chưa kể đến hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư cho giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho du lịch. Nguồn ngân sách ngoài nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch.
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn