Tiềm năng phát triển du lịch tại đền Bắc Lệ - huyện Hữu Lũng - tỉnh Lạng Sơn

30/11/2021 1254 0

Đền Bắc Lệ có lên chữ là Bắc Lệ Linh từ, thuộc thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đền được nhà nước công nhận di tích lịch sử, văn hóa năm 1992. Vị trí của đền khá thuận lợi, có thể đến đây bằng cả đường bộ và đường sắt. Nếu theo đường bộ, đi từ Hà Nội hướng lên TP Lạng Sơn, đến ngã tư Mẹt rẽ phải đi 12km là đến đền. Nếu đi theo đường sắt thì đi từ ga Hà Nội hoặc Gia Lâm lên đến ga Bắc Lệ, ga cách đền 50m.

Trong dân gian và theo người dân địa phương, có khá nhiều truyền thuyết về sự ra đời của đền Bắc Lệ: chuyện kể rằng sau khi được vua Hùng gả con gái cho, Tản Viên và Mỵ Nương sinh được một trai và một gái: người con trai tên là Hai, người con gái tên là La Bính. La Bính là người con gái đẹp nết, đẹp người và có đủ tài đức nên được Tản Viên rất yêu quý nên thường cho nàng đi săn bắn cùng. Đi đến đâu nàng cũng quyến luyến với núi non, rừng rậm, thấy vậy Trời ban cho nàng là “Nữ chúa rừng xanh”. Vào thời kì đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, lại thêm nghĩa quân Lam Sơn đóng quân vào thế bất lợi nên việc chiến thắng là khó khăn. Thấy vậy, Nữ chúa đã giúp đỡ rất nhiều cho nghĩa quân. Sau này, nhớ đến công lao của “Nữ chúa rừng xanh” nhân dân cả nước đã tôn sùng là Mẹ (Mẫu Nghi thiên hạ) và lập đền thờ ở khắp nơi. Đền Bắc Lệ cũng được dựng lên trên cơ sở sự tích đó. Một truyền thuyết khác của nhân dân cho rằng đền Bắc Lệ thờ Chúa Liễu Hạnh.

Lễ hội đền Bắc Lệ

Cùng với một số đền chùa khác, đền Bắc Lệ do chiến tranh tàn phá và những lý do khác nên đền đã cũ và các di sản di vật của đền không còn nhiều. Đáng chú ý nhất là các loại văn bản như: Sắc phong, tài liệu chữ Hán của các triều đại xưa… Số còn lại việc xác định giá trị còn gặp nhiều khó khăn, do vậy đền Bắc lệ cũng nằm trong tình hình chung với các đền chùa khác ở Việt Nam, đó là việc xác định niên đại ra đời. Qua xác định của các nhà nghiên cứu, đồng thời dựa vào hai văn bia thời Khải Định và lời kể của các cụ già tại địa phương thì đền Bắc Lệ được xây dựng cách đây khoảng 300 năm. Trong quá trình tồn tại, đền Bắc Lệ đã gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Sau cách mạng tháng 8 - 1945, ngoài việc là nơi đón khách đến hành lễ, tham quan di tích, đền đã đóng góp một phần cho quá trình xây dựng và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Là nơi được Chủ tích Ủy ban lâm thời cách mạng Lã Văn Lô (Chủ tịch huyện Hữu Lũng) dùng làm địa bàn chỉ đạo phong trào cách mạng. Là nơi đóng quân của đội tự vệ Hoàng Hoa Thám trong các chiến dịch biên giới và thu đông 1947 - 1950. Ngoài ra trong quá trình chống Mỹ cứu nước, đền còn là nơi hoạt động của đại đội dân quân tự vệ, nơi ở của UBND xã, nơi tổ chức cho thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu. Đền Bắc Lệ đã trải qua 5 lần trung tu, lần thứ nhất vào năm Khải Định thứ 4 (1919), lần thứ hai vào năm 1940, lần thứ ba vào năm 1981, lần thứ tư vào năm 1990 và lần thứ năm vào năm 1991 được trung tu hoàn chỉnh, giao cho chính quyền nhân dân xã đứng ra trông coi, quản lý.

Đền Bắc Lệ được xây dựng trên một sườn đồi khá rộng lớn, mặt chính diện của đền (phía Đông) là khu dân cư, hướng ra tiếp là chiếc cầu bắc qua suối Bắc Lệ. Đây là chiến cầu nối liền hai phía của hai đầu phố Bắc Lệ. Phía Đông Bắc là một chiếc cầu xi măng cũng bắc quá suối Bắc Lệ nối liền hai khu phố Bắc và Nam của phố Bắc Lệ. Hiện nay chính quyền địa phương đã xây dựng một cầu ngầm mới ở đây. Phía Đông Nam của đền là khu nhà dân đông đúc, phía Tây Nam là khu đất trống dùng để trồng hoa màu. Xung quanh đền là vươn cây, chen lẫn các cây cổ thụ có cành lá xum xuê thoáng mát. Đằng sau đền có một khu mộ (mộ các thánh đồng thường đã trụ trì ở đền). Sau nhiều lần tu bổ, xây dựng, sửa chữa, đền Bắc Lệ hiện nay mang nhiều nét cổ truyền kết hợp với hiện đại. Đền chính hiện nay nằm ở khu đất có hình chữ tam, đó là một dãy gồm 3 ngôi nhà song song và nối liền mái với nhau. Cả ba ngôi nhà đều là cột gỗ, xây tường gạch và lợp bằng ngói máy “Tây”, do kiến trúc mái liên hoàn nên khi bước vào đền đây chỉ là một ngôi nhà liền nhau có nhiều gian. Đền chia làm ba cung, cột, các loại xà ngang, dọc đều bằng gỗ, không khắc, trạm trổ, tô đắp như các loại đền khác (gỗ đinh lim). Bốn phía của đền là tường xây bằng gạch quét vôi (dày 22 cm), nhà đền có diện tích 126 km2. Ngoài đền chính trong khu vực đền còn có đình Bắc Lệ và một số miếu thờ khác công với một số công trình nhà ở, nhà làm việc… tạo thành một quần thể di tích khép kín, hài hòa và thống nhất.

Hàng năm, đền Bắc Lệ tổ chức 4 lễ và 1 hội, bao gồm:

+ Lễ Thượng Nguyên: thời gian tổ chức khoảng mùng 2 đến 15 tháng giêng âm lịch. Lễ gồm: “lễ khai ấn”, đây là lễ nhỏ có ý nghĩa thông báo cho thần linh về công việc của một năm bắt đầu – sau lễ khai ấn là lễ chính. Trong lễ chính có đò cúng lễ và các bài văn cũng thỉnh Phật, thỉnh Thánh, thường tổ chức vào lúc 8 đến 9 giờ. Sau lễ là các sinh hoạt khác như thụ lộc, múa lễ…

+ Lễ vào hè: thời gian tổ chức vào đầu tháng 4 âm lịch. Nhân dân tin rằng làm lễ sẽ được các thần linh giúp đỡ được mùa màng, sống mạnh khỏe, mưa thuận, gió hòa tạo điều kiện cho lúa khoai tươi tốt, mùa vụ bội thu. Bởi vậy, nhân dân địa phương coi đây là lễ quan trọng nhất. Trong lễ cũng có đồ cúng và các bài vị nhưng nghi thức tương đối đơn giản.

+ Lễ ra hè: trung tuần tháng 7 âm lịch.

+ Tiệc mẫu: 18 – 19 tháng 09 âm lịch.

+ Lễ tất niên: 15 đến 25 tháng chạp âm lịch.

Đền Bắc Lệ giữa một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng  (sau phủ Giầy - Nam Định và phủ Tây Hồ - Hà Nội), là ngôi đền nổi tiếng ở tỉnh Lạng Sơn. Do vậy, di tích này có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa của nhân dân. Đền Bắc Lệ vẫn giữa được những nét đẹp đặc thù thuộc loại điển hình đền cổ ở Việt Nam. Ngoài việc thời Mẫu, di tích còn thờ công đồng tứ phủ, Phật Tổ… thể hiện sự phong phú tín ngưỡng của người Việt Nam. Đền còn lưu giữ và tiếp tục phát huy truyền thống gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua các kỳ lễ hội được tổ chức hàng năm với hình thức tổ chức quy mô lớn, lành mạnh. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, cũng như cảnh quan môi trường của di tích, nay vẫn tồn tại hàng chục cây cổ thụ đã có tuổi trên 100 năm và suối Bắc Lệ trong mát vẫn chảy quanh năm.  Ngoài ra, trong các thời kì đổi mới, đền đã đóng góp một phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

Với những giá trị lịch sử, tín ngưỡng và kiến trúc của mình, đền Bắc Lệ ngày càng thu hút nhiều du khách trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước đến hành lễ và tham quan. Hàng năm có khoảng hơn 3 vạn khách đến tham quan và hành lễ. Trong đó, xét về cơ cấu khách, phần lớn vẫn là du khách trên địa bàn tỉnh với trên 50% khách, các huyện có số khách đến đông nhất là Hữu Lũng, TP Lạng Sơn và huyện Chi Lăng. Về du khách bên ngoài địa phương, đáng chú ý nhất là dòng khách từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trong đó chiếm ưu thế lớn nhất là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang… Đặc biệt, tiếng tăm của đền đã vươn tới các tỉnh miền Trung và miền Nam như:  TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Lâm Đồng… Đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc phát triển du lịch và thu hút khách của đền nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Các hoạt động tính ngưỡng của đền diễn ra trong dịp giáp Tết Nguyên Đán và một lễ hội chính vào tháng 9 âm lịch. Do đó, dòng khách về đây phân hóa theo 2 khoảng thời gian chính. Đồng nhất và dịp trước và sau Tết Nguyên Đán, sau đó là tháng 9 âm lịch. Các khoảng thời gian còn lại trong năm, số lượng khách khiêm tốn. Một điều đáng chú ý là phần lớn du khách thuộc đồng bằng sông Hồng đến đây chủ yếu trong dịp Tết Nguyên Đán, kết hợp hành lễ và tham quan một số di tích khác trong địa bàn tỉnh.

Đền Bắc Lệ là một di tích văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng quan trọng của tỉnh Lạng Sơn nói chung và địa bàn huyện Hữu Lũng nói riêng. Trong những năm gần đây, với xu thế phát triển của du lịch và quan tâm của Tỉnh, đền ngày càng thu hút nhiều khách du lịch hơn. Đây là một hoạt động góp phần tăng thu nhập của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu