Tràng Định - “điểm sáng” thu hút đầu tư để phát triển du lịch bền vững

01/12/2021 2669 0

Tràng Định là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 67km theo đường quốc lộ 4A. Với 3 con sông và 7 con suối có tổng chiều dài 1.020 km được phân bổ khá đồng đều khắp địa bàn huyện vừa tạo cho cảnh quan nơi đây thêm thơ mộng, hữu tình vừa tạo nên những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu và hệ thống tưới tiêu vô cùng thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Chảy qua địa phận của huyện là con sông Kỳ Cùng, là tuyến sông lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, còn được biết đến với cái tên “Dòng sông chảy ngược” - con sông duy nhất ở miền Bắc không chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam để đổ vào biển Đông mà chảy ngược theo hướng Đông Nam - Tây Bắc lên Trung Quốc với chiều dài dòng chính (tính đến biên giới Việt Trung) 243km.

Nằm giữa thung lũng bên bờ sông Bắc Khê, thị trấn Thất Khê của huyện là đầu mối của các tuyến giao thông sang Trung Quốc, lên Cao Bằng, nối với đường 1B từ huyện Bình Gia đi tỉnh Thái Nguyên, đường quốc lộ 3B nối với tỉnh Bắc Kạn và đường về thành phố Lạng Sơn. “Thất Khê” mang ý nghĩa là 7 con suối, vì vậy Tràng Định nổi tiếng với 7 con suối lớn và một mạng lưới khe rạch khá dày đặc, có khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng, phát triển các công trình thủy lợi, thủy điện nhỏ phục vụ sản xuất và đời sống.

Huyện Tràng Định có cửa khẩu Bình Nghi và cặp chợ biên giới Nà Nưa thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi buôn bán qua 2 huyện láng giềng là Long Châu, Bằng Tường thuộc khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, Trung Quốc. Có nhiều tuyến đường bộ và đường sông thông thương với Trung Quốc, thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hóa, dịch vụ với Trung Quốc và thúc đẩy các hoạt động thương mại - du lịch trên địa bàn huyện.

Khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh

Trên địa bàn huyện có 6 dân tộc cùng chung sống, bao gồm dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Mông. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán sản xuất và bản sắc văn hóa dân tộc riêng. Tràng Định còn là mảnh đất kiên cường, bất khuất trong đấu tranh, giải phóng dân tộc, là địa chỉ đỏ của cách mạng. Đường số 4 chạy qua huyện là tuyến đường giao thông quan trọng bậc nhất của vùng chiến lược Cao - Bắc - Lạng và đông bắc Bắc Bộ, dài 420km dọc theo biên giới Việt Trung. Địa hình hiểm trở, núi cao, rừng rậm hai bên đường, có rất nhiều suối và ba con sông lớn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đường số 4 là con đường huyết mạch để vận chuyển vũ khí, lương thực của quân đội Pháp. Tại đây, quân và dân ta đã chiến đấu oanh liệt để giành lại chính quyền. Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định đã phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng kiên trung bất khuất, nuôi giấu cán bộ, nhiều người con ưu tú đã lên đường nhập ngũ, lập nhiều chiến công xuất sắc, tô thắm truyền thống vẻ vang của quân và dân ta. Với những đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Tràng Định đã vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 08 xã được công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là ATK.

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống cách mạng, văn hóa đặc sắc lâu đời, dòng chảy lịch sử đã làm nên một huyện miền núi đa sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc với dấu ấn văn hóa, lịch sử truyền thống, đến ngày nay còn hiện hữu giữa đời sống thường ngày. Huyền Tràng Định có thể phát triển được nhiều loại hình du lịch đặc thù như: du lịch sinh thái, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch trải nghiệm lễ hội truyền thống, du lịch văn hóa bản địa. Các điểm du lịch có thể kể đến như: di tích đường số 4, khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích tín ngưỡng dân gian như đền Gốc Sung, đền Quan Lãnh và Đền Mẫu; một số điểm du lịch sinh thái tự nhiên như: Hang Pác Ả, hang Cốc Mười, khu sinh thái hồ thủy điện Bắc Khê, đỉnh Khau Hương. Đến với huyện Tràng Định du khách còn được khám phá những phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông Lạng Sơn tại xã Cao Minh, trải nghiệm các hoạt động sản xuất thường ngày như đi nương, lội suối, bắt cá, nấu rượu men lá, thưởng thức các món ăn và nghe hát dân ca Sỉ ná mẻo bên bếp lửa. Hoặc đến làng cổ Nà Cạn (xã Đại Đồng), du khách có thể dạo quanh làng ngắm nhìn những nét rêu phong của những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc Pháp trải nghiệm nghề bện chổi rơm của người dân bản địa. Đến thôn Lũng Slàng (xã Tri Phương) là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Dao, du khách được trải nghiệm thưởng thức ẩm thực của người Dao như: Rượu ngô men lá, xôi ngũ sắc, cơm lam nếp, thuốc tắm người Dao… Một số lễ hội lớn được tổ chức hàng năm như Lễ hội Đền Gốc Sung, Hội thồng Báo Slao, Hội Nàng Hai, Hội Phài Lừa, Lễ Hội Bủng Kham thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến chiêm bái và trẩy hội.

Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp tiêu biểu của huyện như: gạo Tràng Định, thạch đen, hồi, quế, Quýt Kim Đồng, vịt Thất Khê đã trở thành đặc sản và là sản phẩm quà tặng không thể thiếu mỗi khi du khách đến thăm. Phát triển du lịch gắn với khai thác các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu hiện đang là bước đi đúng đắn, mô hình này mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Huyện Tràng Định đã khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp như: du lịch tham quan các vườn cây ăn trái, trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống như làm thạch đen, khẩu sli, nghề làm mây tre, làm hương thắp…

Trong bối cảnh du lịch Lạng Sơn luôn cần những sản phẩm mới lạ, thu hút du khách, phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có được xác định là hướng đi mở ra nhiều kỳ vọng cho nền công nghiệp không khói của tỉnh tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, góp phần thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu