Huyện Tràng Định hiện có 33 điểm, khu di tích, trong đó có 19 di tích lịch sử, 3 di tích danh lam thắng cảnh, 3 di tích khảo cổ và 8 di tích kiến trúc nghệ thuật. Nổi bật, huyện có 3 điểm, khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đáng chú ý, đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận 6 xã: Chí Minh, Chi Lăng, Tri Phương, Đề Thám, Hùng Sơn, Đội Cấn của huyện là xã An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là điều kiện rất thuận lợi để huyện phát triển loại hình du lịch về nguồn. Ngoài ra, huyện cũng có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch sinh thái với các điểm di tích như: hang Bản Bó; hang Cốc Mười - Khu Pác Lùng Ký Làng (xã Tri Phương); đỉnh Khau Hương (xã Đề Thám); cổng trời thôn Lũng Phầy (xã Chí Minh)… Những địa danh trên là những di tích có giá trị lịch sử cách mạng quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần tôn them giá trị của một vùng đất có truyền thống cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa, những đóng góp quan trọng làm nên sự thành công của cách mạng tháng 8/1945.
Nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh
Tràng Định là vùng đất có khí hậu ôn hòa, ấm áp, đất đai phì nhiêu, màu mỡ rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Do vậy từ lâu Tràng Định được biết đến là mảnh đất “gạo trắng nước trong”. Cánh đồng Thất Khê của huyện là một vựa lúa lớn của tỉnh nổi tiếng với giống lúa nếp vừa thơm vừa dẻo, ít nơi nào sánh kịp. Cùng với thạch đen, khoai mon,… các sản phẩm nông nghiệp đang là cơ sở để phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông sản địa phương.
Không chỉ có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử, Tràng Định còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật của các dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao… với nhiều di sản văn hoá đặc sắc như: hát then, sli, lượn, páo dung, múa sư tử mèo; các làng nghề truyền thống: đan lát, làm hương; làm bánh, làm chổi rơm… Đặc biệt, đến với Tràng Định vào mùa xuân, du khách còn được tham dự 21 lễ hội truyền thống độc đáo, đặc sắc với kho tàng văn hóa ẩm thực đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc như: vịt quay mác mật, khau nhục, thạch đen, pẻng khua, khẩu sli, bánh khảo… Đây chính là nguồn tài nguyên văn hoá phong phú, giàu tiềm năng phát triển du lịch của huyện.
Tài nguyên du lịch phong phú là vậy nhưng du lịch Tràng Định nhìn chung mới ở bước phát triển manh mún, tự phát, nhiều tài nguyên du lịch khác của huyện chưa được khai thác để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Để phát triển du lịch trong thời gian tới, huyện Tràng Định cần có những định hướng phát triển cụ thể tương xứng với tiềm năng sẵn có của huyện, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa; Chú trọng đầu tư các khu, điểm, lĩnh vực du lịch có lợi thế, xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư cho từng khu, điểm du lịch; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển các dịch vụ, du lịch trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu để phục vụ công tác xuất nhập cảnh, tạo điều kiện phát triển du lịch biên giới. Song song với đó, huyện cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương như: du lịch văn hóa cộng đồng người Mông (xã Cao Minh), Dao đỏ (xã Vĩnh Tiến); du lịch tham quan, khám phá tìm hiểu tại các hệ thống nhà cổ của huyện; du lịch về nguồn; du lịch sinh thái, đa dạng hóa các dịch vụ lưu trú, các tour, tuyến, loại hình du lịch; đặc biệt, tăng cường khả năng hội nhập của du lịch Tràng Định với các khu vực trong tỉnh, trong nước và quốc tế…
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Lạng Sơn