Tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

01/12/2023 712 0

Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc có vị trí địa lý quan trọng, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 231km, cách thủ đô Hà Nội 154 km, nằm trong hành lang kinh tế Lạng Sơn -  Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông Lạng Sơn rất thuận lợi, là đầu mối tuyến quốc lộ 1A, nơi bắt nguồn của con đường 4B ra Trà Cổ, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đường 4A lên Pắc Bó (Cao Bằng), đường 1B sang Thái Nguyên, đường 3B sang Na Rì (Bắc Kạn), đồng thời có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc vươn tới các nước Đông Âu. Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế (Ga đường sắt Đồng Đăng, Cửa khẩu Hữu Nghị), 1 cửa khẩu chính (cửa khẩu Chi Ma), và 9 cửa khẩu phụ rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hoá và phát triển dịch vụ du lịch. , là vùng đất cửa ngõ “phên dậu” địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển, cùng nền văn hóa truyền thống lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, do đó Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch như: tài nguyên du lịch văn hóa độc đáo, có hệ thống di tích lịch sử văn hóa, tâm linh; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với trên 280 lễ hội (trong đó nhiều di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được UNESCO công nhận và ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống; các tri thức dân gian về trang phục, y dược học cổ truyền; các nghề thủ công truyền thống….Tài nguyên du lịch tự nhiên của Lạng Sơn đa dạng và phong phú với nhiều danh lam thắng cảnh; hang động; sông, hồ; hệ sinh thái; khí hậu ôn hòa; nguồn tài nguyên du lịch đặc trưng có lợi thế so sánh với các tỉnh trong vùng như Di tích danh thắng Nhị Thanh, Tam Thanh, Thành Nhà Mạc, núi Nàng Tô Thị; cảnh quan, khí hậu núi Mẫu Sơn, cảnh quan gắn với sông Kỳ Cùng - dòng sông độc đáo duy nhất của nước ta chảy từ Đông sang Tây và ngược về phía Bắc…; cùng với nhiều sản phẩm và đặc sản ẩm thực nổi tiếng; hệ thống giao thông rất thuận lợi, có ưu thế trong liên kết vùng để phát triển du lịch; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; người dân thân thiện, mến khách. Đây là những lợi thế lớn của Lạng Sơn trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, từ đó, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch tỉnh Lạng Sơn.

TP Lạng Sơn hôm nay

Tuy nhiên, việc tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch tỉnh Lạng Sơn còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng; đóng góp của ngành du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh chưa cao, sự phát triển du lịch của tỉnh nhà chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa theo kịp xu thế hội nhập và phát triển hiện nay và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra nhiệm vụ “Phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”;  Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 06/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định mục tiêu cụ thể “Tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đề ra ba mục tiêu cụ thể: (1) Đến năm 2025, thu hút trên 4,4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt trên 5.200 tỷ đồng. (2) Đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 5.400 buồng lưu trú, trong đó có 1.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao; có trên 15.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp. (3) Đến năm 2025, toàn tỉnh có 01 khu du lịch quốc gia (Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn); 02 - 04 khu du lịch cấp tỉnh, 08 - 10 điểm du lịch và 04 - 06 điểm du lịch cộng đồng.

Trong những năm tới, ngành kinh tế du lịch thế giới, trong nước và trong tỉnh dự báo sẽ phát triển mạnh, nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển du lịch nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được đề ra trong Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh như sau:

Một là: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Lạng Sơn đến năm 2030; xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo phát triển du lịch cấp tỉnh và cấp huyện; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; nâng cao năng lực, trình độ, chất lượng cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; hoàn thiện các quy định, quy chế quản lý du lịch; quản lý tốt công tác quy hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vi phạm về lĩnh vực du lịch; cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch.

Hai là: Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực du lịch; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các hình thức đào tạo theo hướng chuyên môn hóa…

Ba là: Phát triển sản phẩm và thị trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, lễ hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch biên giới cửa khẩu kết hợp mua sắm; du lịch cộng đồng. Phát triển sản phẩm đi đôi với tái đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Bốn là: Đầu tư hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, kết nối phát triển hệ thống các trung tâm, khu, điểm, tuyến du lịch. Tập trung huy động các nguồn lực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch. Từng bước hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; Khu di tích Chi Lăng; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill (thành phố Lạng Sơn); Khu du lịch sinh thái danh thắng Thác Bản Khiếng (huyện Lộc Bình); các điểm du lịch, các khu du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố.

Năm là: Tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Chú trọng hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch.

Để đạt được mục tiêu đặt mục tiêu đến năm 2025, Lạng Sơn trở thành một trong những trọng điểm du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh. Đến năm 2030, du lịch Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; du lịch đóng góp 10% vào GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai các định hướng, giải pháp: Tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có giá trị kinh tế cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo ưu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế; phát triển thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; về tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch; về ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trong đó, liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch là một giải pháp quan trọng, tỉnh Lạng Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ưu tiên đầu tư của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và đặc biệt là kết nối mạnh hơn với các tỉnh, thành trong cả nước đã có kinh nghiệm phát triển hơn Lạng Sơn về lĩnh vực du lịch nói riêng và về kinh tế xã hội nói chung; của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành ngoài tỉnh để từ đó chia sẻ, hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn phát huy nguồn tài nguyên du lịch phong phú nhưng còn nguyên sơ và chủ yếu dưới dạng tiềm năng. Từ đó phấn đấu đưa Lạng Sơn trở thành một điểm đến du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phòng phú, một thị trường du lịch lớn trong khu vực và cả nước, đây là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh không chỉ mang tính địa phương mà còn là xu thế khách quan, là điểm nối, trung tâm trong quan hệ hữu cơ vùng, liên vùng, giữa Lạng Sơn với cả nước, với Trung Quốc và quốc tế.

                Trần Anh Tuấn

                  Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn

Related Post

Sample Plan