Lạng Sơn kết nối phát triển Du lịch gắn với sản phẩm OCOP

29/11/2023 193 0

Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến và quảng bá thương hiệu sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn diễn ra sôi động và đã có nhiều tác động tích cực đối với sự khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang đổi mới cách xúc tiến thông qua việc hình thành chợ du lịch, xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại các khu thu hút khách du lịch. Qua đó, góp phần đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người dân và du khách, tạo thêm điểm nhấn trong không gian du lịch chung của tỉnh.

Vườn Bưởi xã Chi Lăng huyện Chi Lăng đón khách du lịch tham quan trải nghiệm

Hiện tỉnh Lạng Sơn có 126 sản phẩm OCOP; trong đó, 105 sản phẩm 3 sao, 21 sản phẩm 4 sao. Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có 3 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng được đánh giá, phân hạng; ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tìm kiếm đầu ra kết hợp liên kết chuỗi, từ lâu luôn là bài toàn của các chủ thể OCOP trong quá trình phát triển thương hiệu. Vì vậy, với việc đưa các cụm gian hàng OCOP vào hoạt động tại các điểm du lịch, đã góp phần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu để người dân và khách du lịch biết đến sản phẩm OCOP, tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn, tạo được hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là tại các hệ thống chợ thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, mua sắm, việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là hướng đi cần thiết và quan trọng, ngày càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hoá, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.

Điển hình như tại huyện Bắc Sơn, huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng, huyện Cao Lộc, TP Lạng Sơn… đã hình thành một số điểm du lịch vườn quýt, vườn Na, vườn Hồng, vườn hạt Dẻ… thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan kết hợp mua và thưởng thức sản phẩm tại vườn mỗi vụ.

Lạng Sơn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch, nhiều địa danh đã xuất hiện trên bản đồ du lịch và đã hình thành nên một chương trình du lịch khép kín để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như: Khu du lịch Mẫu Sơn, thảo nguyên Hữu Kiên, thảo nguyên Hữu Liên các điểm du lịch sinh thái Chiến Thắng, Mỏ Mắm (huyện Băc Sơn) Khu du lịch sinh thái Thác Bản Khiềng (huyện Lộc Bình) … Đặc biệt, những năm qua, tỉnh đã quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, dần hình thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay chuyên nghiệp. Đây chính là cơ sở, tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch.

Ngành công nghiệp không khói đã và đang được tỉnh Lạng Sơn quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và có định hướng lâu dài. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng như khai thác, bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với phát triển du lịch bền vững.

Theo Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”, hiện toàn tỉnh đã tiêu chuẩn hóa được 30 sản phẩm. Từ những lợi thế đó, các địa phương có cơ sở để lựa chọn, tìm hướng phát triển các sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Theo đó, một số huyện đã và đang thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn liền với du lịch.

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch của Lang Sơn hiện nay đã tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, “một mũi tên trúng hai đích”. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó việc quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Trong thời gian qua, việc xúc tiến quảng bá đã được ngành quan tâm tạo điều kiện về công tác tổ chức và tham gia nhiều hoạt động quảng bá điểm đến, giới thiệu và cung cấp thông tin về sản phẩm du lịch, các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn đến khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là tuyên truyền quảng bá các sản phẩm OCOP và các sản vật tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn và cung cấp thông tin các sản phẩm tour, tuyến du lịch Lạng Sơn của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh gắn với các điểm trọng điểm về sản phẩm Ocop tại các sự kiện như: Hội chợ du lịch VITM - Hà Nội; Hội chợ du lịch quốc tế TP HCM; Sư kiện kết nối du lịch TP HCM với 8 tỉnh Đông Bắc; Chương  trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; Chương trình giới thiệu điểm đến du lịch Lạng Sơn trong các hoạt động hưởng ứng năm du lịch Quốc gia tại tỉnh Bình Thuận;  Hội chợ Du lịch biên quan Bằng Tường và các sự kiện do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các tỉnh tổ chức…

Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm đó luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần.

Vì vậy  Để gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP, góp phần định vị điểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách, trong thời gian tới cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, cần có sự phối hợp đồng bộ, mỗi chủ thể của điểm đến hay sản phẩm OCOP đều cần chú ý gìn giữ phát huy và chuyển tải các giá trị văn hóa đặc trưng trong phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, trong từng sản phẩm OCOP.

Trần Anh Tuấn

                  Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn

Related Post

Sample Plan