Quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn

25/08/2021 1474 0

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía biên giới phía Bắc của nước ta, được biết đến là phên giậu biên thuỳ, có hệ thống cửa khẩu quốc tế, quốc gia và các cửa khẩu phụ, nơi có thiên nhiên hùng vĩ như hệ thống hang động kỳ thú, dải núi đá vôi có giá trị về lịch sử và khảo cổ; nền văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số; Cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của tân tộc ta, Lạng Sơn được biết đến với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có tổng số 335 di tích với 4 loại hình gồm: Di tích Lịch sử cách mạng kháng chiến; di tích Khảo cổ; di tích Kiến trúc Nghệ thuật; di tích Danh lam thắng cảnh trong đó có 130 di tích xếp hạng các cấp gồm: (02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 100 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Tiêu biểu như di tích lịch sử Chi Lăng, khu di tích cách mạng Bắc Sơn, di tích chiến thắng đường 4,... Với đặc điểm là tỉnh miền núi, 80% diện tích đất tự nhiên là đối núi do vậy Lạng Sơn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc như: Quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh - Thành Nhà Mạc - Núi Nàng Tô Thị với đặc điểm có vị trí nằm trong lòng Thành Phố Lạng Sơn, là một trong những danh thắng ít có ở Việt Nam là trong động có chùa, có suối, bên cạnh đó là di tích lịch sử Thành Nhà Mạc; có quần thể Núi Mẫu Sơn diện tích khoảng hơn 10.000 ha, là nơi được đánh giá hội tụ giá trị về sinh thái, văn hóa, lịch sử, vị trí chỉ cách Thành phố Lạng Sơn khoảng 30 km, với hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ, là nơi duy nhất có núi cha và núi mẹ ( với đỉnh núi Cha cao 1541m, đỉnh núi Mẹ cao 1520m so với mực nước biển), có di tích Núi Phặt Chỉ, Khu Linh Địa Cổ, có hệ thảm động thực vật phong phú và đặc sắc,… Lạng Sơn còn có nhiều đền thờ Mẫu như đền Bắc Lệ, đền Mẫu Đồng Đăng,…Vì vậy, Lạng Sơn được nhiều khách thập phương biết đến như vùng đất thờ Mẫu. Ngoài ra, Lạng Sơn còn là một vùng quê xinh đẹp, với non nước xanh biếc của dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng và dòng sông chảy ngược duy nhất của nước ta... Tài nguyên kể trên đang là nhân tố hết sức quan trọng để phát triển du lịch Lạng Sơn mà không phải địa phương nào, quốc gia nào cũng có.

Chùa Tham Thanh - Động Tam Thanh

Theo Luật Du lịch: Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình sáng tạo của con người được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch: là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch. Theo đó, Các di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng đã trở thành bộ phận đặc biệt trong cơ cấu "tài nguyên du lịch" của tỉnh. Các di tích đó, cả về mặt nội dung lẫn hình thức, đều có khả năng tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng cho ngành du lịch Lạng Sơn hiện nay và cho tương lai. Những năm qua, các cấp các ngành của tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn và khai thác giá trị của hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Lập hồ sơ lý lịch bảo vệ di tích, thực hiện công tác quản lý di tích; lập quy hoạch phát triển các điểm di tích thành các khu, điểm du lịch của tỉnh như: Khu di tích danh thắng Nhị Tam Thanh - Thành Nhà Mạc, Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, khu du lịch sinh thái Hồ Nà Tâm, Khu di tích Chi Lăng, điểm du lịch tâm linh Đền Bắc Lệ, điểm du lịch Chùa Bắc Nga… xây dựng đề án quy hoạch và phát triển các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

  Công tác quản lý di tích của tỉnh được xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể theo phân cấp từ tỉnh đến cơ sở, thành lập Ban quản lý di tích của tỉnh. Đồng thời, phát huy vai trò định hướng của nhà nước trong công tác quản lý nhà nước cũng như huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc quản lý nắm bắt tình hình hoạt động của di tích trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc nâng cao hiệu lực quản lý di tích bằng việc xây dựng kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng các Ban quản lý di tích từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh việc nắm bắt thông tin, tình hình của các di tích thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: khảo sát, kiểm kê lập danh mục hệ thống di tích trên địa bàn, nghiên cứu lựa chọn những di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, quân sự…nhằm lập hồ sơ lý lịch, khoanh vùng bảo vệ và đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng nhằm tạo ra hành lang pháp lý và khoa học trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý về công tác văn hóa ở cơ sở nhằm tạo ra môt mạng lưới hoạt động rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Tại các khu, điểm danh lam thắng cảnh, Ban quản lý có trách nhiệm quản lý các giá trị về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn nơi đã được khoanh vùng bảo vệ và đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu tối đa các tác động xấu do con người gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan và môi sinh tại các điểm danh thắng.   

 Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả theo xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn đầu tư khai khác về tiềm năng vật lực và tài lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Do đó, huy động các nguồn lực trong việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong những năm gần đây đã có những bước chuyển biến tích cực. Chương trình mục tiêu Quốc gia về trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích được đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả; công tác xã hội hóa trong việc tôn tạo, tu bổ di tích được huy động ngày càng nhiều, từ đó nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ngoài ra, nguồn thu tại nhiều điểm di tích đã được quản lý, sử dụng có hiệu quả trong việc trùng tu, tôn tạo di tích. (đặc biệt là di tích thuộc loại hình tôn giáo, tín ngưỡng). Song song với việc trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, việc nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng lại các lễ hội truyền thống và việc hướng dẫn các lễ hội truyền thống gắn liền với các di tích trọng điểm của tỉnh đi vào hoạt động đúng hướng và ngày càng phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, tạo hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và tuyên truyền phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan du lịch đến với Lạng Sơn.

Với những giá trị của hệ thống di tích đem lại, Lạng Sơn đã và đang phát huy có hiệu nguồn tài nguyên đó phục vụ phát triển du lịch. Trong những năm vừa qua tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo và quy hoạch các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của Lạng Sơn nhằm tạo một quần thể khép kín đa dạng, bước đầu phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân. Hầu hết các di tích đó hiện nay đều đã được đầu tư, nâng cấp chỉnh sửa để mở rộng quy mô, kích thước nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có và khai thác, mở cửa hàng ngày để phục vụ cho khách tham quan, cũng như phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương. Một số di tích thu hút được lượng khách tham quan khá đông, nhất là vào những ngày cuối tuần như Chùa Thành, đền Kỳ Cùng, động chùa Nhị Thanh,  Tam Thanh. Điều tạo nên sự hấp dẫn và sức lôi cuốn du khách đến đây không chỉ riêng bởi vẻ đẹp của cảnh quan kiến trúc mà phần nào còn do tính linh thiêng tại các di tích này. Khách du lịch đến Lạng Sơn theo các loại hình du lịch du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội, du lịch khám phá hang động, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng ngày càng tăng… Theo đó, cứ hàng năm vào mùa xuân - mùa lễ hội du khách muôn phương cùng trảy hội về Xứ Lạng, tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng dân gian, hòa mình trong không gian văn hóa bản địa đa sắc màu. Trong Đề án phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, việc phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di tích, di sản văn hóa cũng tiếp tục được đặt ra.

Tuy nhiên, việc quản lý bảo vệ và khai thác các tài nguyên du lịch là các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn nhiều bất cập. Như: Công tác quản lý còn chồng chéo giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương, Mỗi ngành, mỗi cấp lại có quan niệm khác nhau dẫn đến việc đầu tư, bảo vệ, giữ gìn cũng với các cách rất khác nhau; Trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các di tích chưa được quy định rõ ràng và thiếu sự phối hợp giữa nhà chức trách với người sử dụng, khai thác. Hiện tượng đó dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, vô trách nhiệm hoặc bỏ mặc cho các di tích xuống cấp;  Việc đầu tư nâng cấp các di tích với tư cách là một sản phẩm du lịch chưa được triển khai trong một quy chế chặt chẽ và toàn diện, trong đó có tính đến yếu tố du lịch. Còn phổ biến tình trạng giao khoán cải tạo thậm chí được phó mặc cho những người quản lý, đầu tư tự sáng tạo theo ý mình trong trùng tu, tôn tạo, xây mới làm mất đi vẻ đẹp ban đầu, mất đi những “phần hồn” của di tích;  Sự phát triển các dịch vụ du lịch thiếu kiểm soát và sự bùng nổ du khách còn có tác động mạnh mẽ đến môi trường văn hoá và môi trường sinh thái tại các khu di tích. Tại nhiều khu di tích, du khách đã viết tên, khắc tên lên các bộ phận di tích một cách bừa bãi. Bụi bặm, khói xăng dầu, rác thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng không ít đến di tích,…

Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên và  thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Một số nhiệm vụ Lạng Sơn đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới như sau sau: Phải xác định rõ quan điểm phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích là luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích với việc khai thác phục vụ du lịch; đồng thời, việc bảo vệ tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch; Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống và phát triển du lịch văn hoá là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của các cơ quan chức năng; Việc khai thác di tích, danh thắng phục vụ cho phát triển du lịch  phải đạt được mục tiêu: Giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào yêu quê hương đất nước; giới thiệu cho khách du lịch trong nước và quốc tế về lịch sử, văn hoá, nét đẹp  thiên nhiên; tăng thêm lợi ích kinh tế cho xã hội, cho người dân và các đơn vị kinh doanh du lịch. Hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ hoạt động du lịch đối với di tích theo phương châm "lấy di tích để nuôi di tích" (chữ nuôi ở đây mang hàm nghĩa bảo tồn, bảo vệ, trùng tu, tu sửa và phát triển); Đẩy mạnh công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đang khai thác phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích như: dịch vụ bán đồ lưu niệm, bán hàng giải khát, dịch vụ bán vé tham quan, thuyết minh tại chỗ… nhằm giảm thiểu mọi phiền hà không đáng có cho khách du lịch, đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ trong sự quản lý của ngành Du lịch; Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý ngành du lịch và văn hoá được học tập kinh nghiệm quản lý và khai thác tài nguyên tại các nước, các vùng trong khu vực và trên thế giới phục vụ cho phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hoá; Hình thành chiến lược sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hoá;  Củng cố mở rộng các tuyến tham quan du lịch trên cơ sở hạt nhân là các di tích lịch sử văn hoá.

Và để phát huy được những lợi ích kinh tế và xã hội trong việc khai thác di tích phục vụ hoạt động du lịch, theo tôi chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề sau: Để nâng cao lợi ích kinh tế của việc khai thác các di tích, cần phải phát huy cao nhất những tiềm năng, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thường xuyên trùng tu, sửa chữa để kéo dài thời gian sử dụng di tích và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các di tích;  Việc khai thác các di tích phải làm nổi bật được những giá trị đặc sắc của di tích, đó chính là việc tạo ra sức thu hút đối với khách tham quan, khách du lịch và cũng là linh hồn của hoạt động du lịch. Các di tích đặc sắc, độc đáo mới có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.  Việc khai thác di tích trên thực tế là sự khai thác tổng hợp đối với nơi khách du lịch đến: một mặt cần khai thác các sản phẩm khác để bổ sung, tạo sự liên hoàn trong chương trình du lịch; mặt khác, phải xem xét nhu cầu của khách về đi lại, ăn, ở, hướng dẫn tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí…cần thực hiện sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng giữa các tổ chức liên quan đến phục vụ khách, đảm bảo chất lượng. Cần coi môi trường tự nhiên và văn hoá của di tích cũng là môi trường du lịch. Nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh hướng dẫn tại các điểm tham quan di tích bằng cách tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các thuyết minh viên tại các địa danh để đạt yêu cầu cao về trình độ, ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử với khách. Nghiên cứu, thống kê, rà soát lại tất cả các di tích có tại các địa bàn du lịch trọng điểm, từ đó phân loại, xác định thứ tự ưu tiên trong đầu tư khai thác phục vụ du lịch .

Trên cơ sở đó: Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích là luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hoá với việc khai thác phục vụ du lịch; hay nói cách khác phát triển du lịch vì mục tiêu văn hoá; đồng thời, việc bảo vệ tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch. Vì vậy, việc khai thác và phát huy giá trị di tích phải luôn đi đôi với công tác quản lý, bảo tồn. Mặt khác, phải coi đây không chỉ là công việc của riêng các cơ quan quản lý mà nó là trách nhiệm của cả cộng đồng, từ mỗi người dân, du khách. Du lịch Lạng Sơn nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển chắc chắn sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích./.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch 

Related Post

Sample Plan