Đền Kỳ Cùng (còn có tên là đền Quan Lớn Tuần Tranh) nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Đền có một vị thế rất đẹp, nằm ở trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Lạng Sơn. Mặt trước đền quay ra phía bờ sông Kỳ Cùng.
Kiến trúc của đền theo kiểu chứ Đinh, mặt tiền quay về hướng nam. Hiện trong đền còn lưu giữ được một số hiện vật quý gồm: Bia trùng tu đền, ghi lại quá trình xây dựng và lịch sử di tích, được tạo dựng vào tháng 2/1931; Các hoành phi, đại tự có niên đại thời Lê (1783), thời Nguyễn (vua Khải Định - Bảo Đại); nhiều đồ thờ tự như: chuông, đỉnh đồng, tượng thờ... có giá trị về mỹ thuật và niên đại.
Đền Kỳ Cùng là một di tích kiến trúc nghệ thuật - tín ngưỡng dân gian của người Việt. Căn cứ theo tên gọi của đền là "Kỳ Cùng đại vương từ" và tấm hoành phi triều Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) ban tặng thì đền là nơi thờ ông Cộc, ông Dài (vị thần của sông Kỳ Cùng). Tuy nhiên, theo quan niệm của nhân dân trong vùng thì đây là nơi thờ Quan lớn Tuần Tranh - người từng được triều đình cử lên làm Trấn thủ Lạng Sơn trong lịch sử; trong tín ngưỡng Mẫu, Quan lớn Tuần Tranh là một vị thần thuộc hàng Ngũ vị Quan lớn. Tại đền Kỳ Cùng hiện nay, ngai thờ và bài vị đức Kỳ Cùng đại vương (ông Cộc, ông Dài) được đặt tại ban thờ Đức Thánh Trần, vị anh hùng dân tộc đã trở thành một dòng tín ngưỡng riêng rất phổ biến trong các di tích thờ Mẫu. Ngoài ra, trong đền còn phối thờ Tam tòa Thánh Mẫu và một số nhân thần khác.
Lễ hội đền Kỳ Cùng gắn liền với lễ hội đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn), kéo dài từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm.
Với những giá trị văn hóa và tâm linh đặc sắc, đền Kỳ Cùng có một vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Xứ Lạng và trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, hấp dẫn du khách thập phương./.